Bé bị rộp trắng trong miệng có thể là dấu hiệu của bệnh tưa lưỡi (nấm miệng). Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là những người lần đầu làm bố mẹ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ nguyên nhân bé bị rộp trắng trong miệng cũng như hướng dẫn phương pháp điều trị hiệu quả.
Mục Lục
I. Nguyên nhân bé bị rộp trắng trong miệng
Rộp trắng trong miệng của bé phần lớn là dấu hiệu cảnh báo bệnh tưa miệng, một loại bệnh nhiễm trùng miệng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do một loại nấm có tên là Candida gây ra.
Candida được tìm thấy tự nhiên trên da và trong miệng, chúng tương đối phổ biến trong môi trường hằng ngày. Nhưng nếu nấm Candida phát triển ngoài tầm kiểm soát, nó có thể gây ra bệnh tưa miệng. Và nguyên nhân khiến nấm Candida phát triển mất kiểm soát là:
- Đã uống thuốc kháng sinh.
- Sử dụng corticosteroid dạng hít, chẳng hạn như đối với bệnh hen suyễn.
- Thường xuyên sử dụng núm vú giả.
- Có hệ thống miễn dịch yếu hơn so với trẻ bình thường.
Mặc dù bệnh tưa miệng phổ biến ở mọi đứa trẻ nhưng những bé sau đây có nhiều nguy cơ bị tưa miệng hơn nếu chúng:
- Có cân nặng khi sinh rất thấp (thường là do sinh non).
- Đi qua ống sinh của người mẹ bị nhiễm trùng nấm men.
- Mắc bệnh hen suyễn phải điều trị bằng thuốc corticosteroid dạng hít.
- Dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh.
II. Triệu chứng khi bé bị rộp trắng trong miệng
Bệnh tưa lưỡi gây ra các mảng màu trắng sữa hoặc vàng trên lưỡi, má trong, thậm chí là nướu. Những mảng này có thể gây đau hoặc nghiêm trọng hơn là chảy máu.
Một số trẻ không có triệu chứng đau do tưa miệng nhưng những trẻ khác lại bị đau, quấy khóc, không chịu bú. Và nó có thể đau hơn khi nuốt.
Ngoài ra, bệnh tưa lưỡi cũng có thể gây ra vết nứt da ở khóe miệng. Hoặc trong một số ít trường hợp còn phát triển chứng phát ban do nấm men.
III. Bé bị rộp trắng trong miệng có nguy hiểm không?
Bệnh tưa lưỡi không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ nhưng nhiều trường hợp gây đau làm con quấy khóc, lười bú, ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng.
Đặc biệt, với những trẻ có sức đề kháng yếu, nấm di chuyển xuống vòm họng, vùng thanh quản dễ gây tình trạng khàn giọng, khó nuốt, quấy khóc, sốt cao.
Nhiều trường hợp nấm phát triển mạnh mẽ ở vùng thanh quản, amidan làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm amidan,…
IV. Khi nào cần đưa bé đi gặp bác sĩ?
Thông thường, với một trẻ khỏe mạnh khi bị tưa lưỡi nhẹ có thể không cần điều trị vẫn tự khỏi. Nhưng trong một số trường hợp sau đây, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có biện pháp khắc phục phù hợp:
- Các triệu chứng của nấm miệng không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.
- Trẻ bỏ bú hoặc ngừng ăn uống.
- Xuất hiện nhiều triệu chứng mới như nôn trớ, sốt cao, tiêu chảy,…
V. Cách điều trị mảng trắng trong miệng trẻ
Mảng trắng trong miệng trẻ thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm dạng lỏng. Thuốc này chứa trong ống và thực hiện điều trị bằng cách nhỏ giọt vào miệng của con. Hoặc có thể được dùng ở dạng viên với những trẻ lớn hơn. Nếu đi kèm biểu hiện đau hoặc sốt, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc Paracetamol cho trẻ trên 3 tháng tuổi và Ibuprofen cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Trường hợp mẹ bị nhiễm nấm men ở núm vú có thể điều trị bằng thuốc mỡ bôi lên da hoặc sử dụng thuốc chống nấm dạng viên uống. Việc điều trị được thực hiện song song ở cả mẹ lẫn con nhỏ nhằm ngăn ngừa lây nhiễm qua lại.
Phụ huynh cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị nấm miệng ở trẻ:
- Thuốc phải sử dụng đúng cách và đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không tự ý kéo dài thời gian dùng thuốc hoặc gia tăng liều lượng vượt mức cho phép.
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chấm thuốc hoặc rơ lưỡi cho bé.
- Thao tác rơ lưỡi cần thực hiện nhẹ nhàng và nhanh chóng, tránh trẻ quấy khóc, sợ hãi gây khó khăn cho những lần tiếp theo.
- Không dùng tay hoặc bất kỳ vật dụng nào khác cạo vảy trắng trên lưỡi, điều này có thể gây đau, chảy máu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
- Không hôn miệng con trong suốt thời gian điều trị bệnh nhằm ngăn ngừa tình trạng lây nấm từ miệng bé.
- Nếu con đang sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả, hãy đun sôi những vật dụng này trong khoảng 5 – 10 phút trước và sau khi sử dụng.
VI. Cách ngăn ngừa tình trạng rộp trắng trong miệng
Như đã phân tích ở phần đầu, nấm candida luôn có sẵn trong cơ thể, khi chúng phát triển quá mức sẽ gây bệnh tưa lưỡi. Vì vậy, để hạn chế tình trạng rộp trắng trong miệng cần phải cân bằng vi khuẩn lành mạnh trong cơ thể thông qua những phương pháp sau:
1. Chú ý vệ sinh răng miệng
Dùng dụng cụ rơ lưỡi hoặc khăn mềm thấm nước, nhẹ nhàng vệ sinh vùng nướu, răng và bề mặt lưỡi cho con nhằm loại bỏ nơi trú ẩn của nấm. Cho trẻ uống một chút nước sau khi ăn để miệng được làm sạch.
Khi trẻ được 2 – 3 tuổi, phụ huynh cần hướng dẫn con tập chải răng bằng bàn chải đánh răng và kem đánh răng chuyên dụng. Và khi con lớn hơn, giai đoạn từ 3 tuổi trở lên, phụ huynh cần nghiêm túc với việc chải răng của trẻ, hãy giám sát và điều chỉnh sao cho thao tác chải răng của con đúng chuẩn.
Đảm bảo con chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Mỗi lần thực hiện nên duy trì trong khoảng 2 phút.
Hình thành cho trẻ thói quen sử dụng chỉ nha khoa làm sạch vụn thức ăn trong kẽ răng kết hợp dùng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng diệt khuẩn.
Lưu ý, sau khi chải răng, đừng quên bề mặt lưỡi cũng cần được làm sạch vì nơi đây chứa nhiều mảng bám và vi khuẩn.
2. Ăn uống hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng khoa học là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe toàn diện của con, trong đó có sức khỏe răng miệng.
Ngay trong giai đoạn mang thai, mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nhất là những thực phẩm giàu canxi, vitamin D, magie,… Đặc biệt, thời điểm này nếu mắc các bệnh lý răng miệng, mẹ cần điều trị triệt để.
Bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày của con những thực phẩm giàu canxi, vitamin, sắt, chất xơ,… có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau màu xanh đậm.
Đặc biệt, khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn sữa chua đều đặn mỗi ngày. Theo nghiên cứu, cứ 7,9ml sữa chua chứa khoảng 400mg canxi giúp bé phát triển toàn diện, nhất là hệ xương răng. Hơn hết sữa chua còn chứa các men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hóa, cân bằng lợi khuẩn trong miệng.
3. Những chú ý khác
Nếu bé bú bình, hãy làm sạch và khử trùng bình sữa thường xuyên. Tương tự, núm vú giả và tất cả các đồ chơi khác mà trẻ ngậm vào miệng cũng cần được tiệt trùng.
Ngoài ra, mẹ cũng cần cho con thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và có những can thiệp phù hợp nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường trong khoang miệng.
Bé bị rộp trắng trong miệng nếu không điều trị triệt để có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Do đó, bố mẹ cần quan tâm chú ý hơn đến sự thay đổi của trẻ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu còn thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.