Mọc răng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của trẻ. Khi mọc răng trẻ sẽ có nhiều thay đổi, do đó bố mẹ cần chú ý quan sát con để kịp thời phát hiện những triệu chứng và có cách chăm sóc trẻ mọc răng phù hợp.
Mục Lục
I. Các giai đoạn mọc răng của trẻ
Mọc răng sữa là quá trình mà các răng sữa sẽ lần lượt trồi ra khỏi nướu. Thông thường, thời gian trẻ mọc răng sữa bắt đầu từ 6 tháng tuổi và kéo dài đến 3 tuổi thì mới mọc đầy đủ 20 chiếc. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẻ mọc răng sớm hoặc muộn hơn nên bố mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Thứ tự mọc răng sữa của con thường theo khoảng thời gian sau:
- Từ 6 – 9 tháng tuổi: 2 răng cửa giữa hàm trên và 2 răng cửa giữa hàm dưới sẽ mọc lên. Thông thường, 2 răng cửa giữa hàm dưới sẽ mọc trước nhưng cũng có một số trẻ 2 răng cửa giữa hàm trên lại trồi lên trước.
- Từ 7 – 10 tháng: 2 răng cửa bên hàm trên tiếp tục mọc. 2 răng cửa bên hàm dưới xuất hiện muộn hơn khi trẻ bước vào tháng tuổi thứ 16.
- Từ 12 – 14 tháng tuổi: Khi răng cửa đã mọc đầy đủ, 4 răng hàm sữa bắt đầu xuất hiện. 2 răng hàm sữa ở trên sẽ mọc trước 2 răng hàm sữa ở dưới. Răng hàm sữa là nhóm răng nằm bên trong hàm, cách một đoạn so với nhóm răng cửa.
- Từ 16 – 18 tháng: 4 răng nanh sữa xuất hiện, chúng sẽ lấp đầy khoảng trống giữa răng cửa và răng hàm. Trong một vài trường hợp, có thể phải đến 22 tháng tuổi con mới mọc đầy đủ 4 chiếc răng nanh sữa.
- Từ 20 – 30 tháng: 4 răng hàm sữa cuối cùng trồi lên hoàn tất quá trình mọc răng sữa ở trẻ.
Một số đặc điểm về thứ tự mọc răng ở trẻ:
- Bé trai thường mọc răng muộn hơn so với bé gái
- Trung bình cứ 6 tháng trẻ sẽ mọc thêm 4 chiếc răng sữa mới
- Răng hàm trên thường mọc trễ hơn so với răng hàm dưới
- Răng sữa ở 2 hàm thường mọc theo cặp, một ở bên phải và một ở bên trái
- Thời điểm 3 tuổi tất cả răng sữa đã mọc đầy đủ. Từ 5 – 6 tuổi, răng sữa của trẻ sẽ bắt đầu lung lay và rụng dần, sau đó răng vĩnh viễn trồi lên để thay thế.
II. Triệu chứng khi trẻ mọc răng
Trẻ mọc răng thường cảm thấy rất khó chịu trong người, đồng thời còn có nhiều thay đổi về sức khỏe. Dưới đây là những dấu hiệu mọc răng phổ biến ở trẻ mà bố mẹ không nên bỏ qua:
Trẻ bị sốt nhẹ: Còn gọi là hiện tượng sốt mọc răng. Khi mọc răng, hệ miễn dịch của con thay đổi dẫn đến tình trạng sốt nhẹ. Bố mẹ cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt của con để kịp thời xử lý vấn đề phát sinh.
Chảy nhiều nước dãi: Tại thời điểm bé mọc răng, dây thần kinh bị kích thích khiến nước dãi chảy ra nhiều hơn. Mặt khác, do chức năng nuốt nước bọt của con chưa hoàn thiện nên nước dãi chảy ra ngoài liên tục. Đây là dấu hiệu mọc răng sữa dễ nhận biết nhất. Khi con lớn, hiện tượng chảy nước dãi khi mọc răng sẽ không còn.
Nổi mẩn xung quanh miệng và cằm: Vì nước dãi chảy thường xuyên làm vùng da quanh miệng bị kích ứng và nổi mẩn đỏ.
Hay nhai cắn: Răng trồi lên khỏi nướu gây tình trạng ngứa ngáy, để giảm cảm giác khó chịu này trẻ sẽ cho tay vào miệng hoặc cắn mọi thứ xung quanh.
Bú kém: Vì vùng lợi bị đau nhức nên trẻ lười bú, thậm chí là bỏ bú. Trường hợp này nếu kéo dài bố mẹ nên đưa con đi khám để có biện pháp khắc phục phù hợp, tránh để lâu ảnh hưởng đến sức khỏe con.
Ngoài ra, khi mọc răng sữa, ở trẻ còn xuất hiện những dấu hiệu khác như quấy khóc, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, đi ngoài nhiều lần,…
III. Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Việc chăm sóc đúng cách khi con mọc răng sẽ giúp trẻ cảm giác thoải mái hơn, triệu chứng khó chịu cũng giảm dần:
- Trường hợp trẻ bị sốt nhẹ, mẹ có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách chườm ấm hoặc dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý, thuốc hạ sốt cần có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý cho con sử dụng. Nếu con sốt trên 38 độ C và không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay.
- Giảm cảm giác khó chịu ở vùng nướu cho con bằng cách dùng bông hoặc gạc mềm thấm nước mát và massage nhẹ quanh nướu. Hoặc có thể cho con ngậm núm vú giả đã được đặt trong ngăn mát tủ lạnh trước đó.
- Giai đoạn mọc răng, con thường hay nhai cắn nên mẹ cần thường xuyên khử trùng toàn bộ đồ chơi cho con bằng dung dịch khử trùng an toàn hoặc nước sôi để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.
- Những món ăn của con nên ưu tiên món ăn mềm như súp, cháo, sữa, sinh tố,… Lưu ý, nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, đừng cố ép bé ăn nhiều cùng một lúc.
- Đừng quên thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ. Mẹ có thể dùng gạc mềm thấm nước để lau phần nướu và lưỡi của con. Điều này giúp hạn chế được vi khuẩn phát triển gây nhiệt miệng, viêm nướu.
- Thường xuyên lau nước miếng chảy quanh miệng của con bằng khăn mềm nhằm hạn chế tình trạng nổi mẩn đỏ ở cằm.
- Ngoài biểu hiện sốt, khó chịu, nhiều trẻ còn gặp tình trạng đi ngoài nhiều lần, vì vậy mẹ cần cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất đi.
IV. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Quá trình con mọc răng, bố mẹ cần chú ý thường xuyên quan sát. Nếu con có những biểu hiện sau, cần đưa đến bác sĩ thăm khám ngay:
- Trẻ bị sốt trên 38 độ C và không có dấu hiệu thuyên giảm. Đây có thể là dấu hiệu của việc trẻ bị nhiễm khuẩn chứ không phải sốt do mọc răng.
- Trẻ khó chịu, liên tục dùng tay kéo tai hoặc bứt tóc.
- Bị tiêu chảy trầm trọng trong nhiều ngày.
- Hoặc trẻ đã 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng.
Khi đưa trẻ đi khám, bố mẹ cần nêu rõ những triệu chứng của con cũng như thông tin trung thực về loại thuốc mà trẻ đang dùng (nếu có) để bác sĩ có những chẩn đoán chính xác nhất và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Việc nắm rõ các dấu hiệu, triệu chứng trong quá trình mọc răng sữa sẽ giúp bố mẹ có cách chăm sóc trẻ mọc răng phù hợp, giảm bớt khó chịu ở con. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy vui lòng liên hệ vào số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm chăm sóc răng miệng:
Xem thêm mọc răng:
Xem thêm răng miệng trẻ em: