Hơi thở có mùi khó chịu sau khi ngủ dậy là một vấn đề hết sức phổ biến có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Vậy nguyên nhân gây hôi miệng sau khi ngủ dậy là gì và cách điều trị như thế nào để mang lại hiệu quả?
Mục Lục
I. Nguyên nhân gây hôi miệng sau khi ngủ dậy
Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng hôi miệng sau khi ngủ dậy. Trong đó phổ biến nhất là những lý do sau:
1. Vệ sinh răng miệng kém
Trong khoang miệng ẩn chứa hàng triệu vi khuẩn. Trường hợp buổi tối trước khi đi ngủ, răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ, vụn thức ăn còn sót lại trong kẽ răng, bề mặt lưỡi hoặc xung quanh đường viền nướu, vi khuẩn sẽ tiến hành phân hủy và giải phóng các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), tạo ra mùi hôi.
2. Chứng khô miệng
Nước bọt giúp miệng loại bỏ vi khuẩn tích tụ cả ngày lẫn đêm. Nếu lượng nước bọt sản xuất không đủ, vi khuẩn sẽ tích tụ nhiều hơn khiến việc giải phóng VSC vào ban đêm có thể cao hơn.
Nếu bạn thở bằng miệng khi ngủ, vấn đề thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Vì thở bằng miệng làm trầm trọng thêm chứng khô miệng. Khô miệng vào ban đêm là hiện tượng bình thường nhưng vẫn có thể do các yếu tố khác tác động, chẳng hạn như việc sử dụng một số loại thuốc hoặc tình trạng sức khỏe có liên quan đến chứng khô miệng mãn tính.
3. Ăn thực phẩm nặng mùi
Vệ sinh răng miệng kém và chứng khô miệng không phải là nguyên nhân duy nhất gây hôi miệng vào buổi sáng. Trường hợp hút thuốc lá, sử dụng các thực phẩm nặng mùi như rau thơm, tỏi, hành,… sẽ khiến hơi thở buổi sáng nặng mùi.
Nguyên nhân là do những thực phẩm này sản sinh sulfoxide cysteine tạo ra mùi và vị riêng biệt rất giống với các hợp chất do các vi khuẩn kỵ khí gây hôi miệng sinh ra.
II. Hôi miệng sau khi ngủ dậy có phải là bệnh lý hay không?
Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng sau khi ngủ dậy phần lớn là do vi khuẩn trong khoang miệng gây ra.
Khi chúng ta ngủ, vi khuẩn trong miệng thỏa thích làm việc, chúng phân hủy thức ăn thừa, giải phóng các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và mùi hôi sẽ hòa lẫn trong hơi thở.
Mặt khác, thời điểm khi ngủ, lượng nước bọt tiết ra ít hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động sinh ra mùi hôi. Đây là hiện tượng bình thường, không phải là bệnh lý nên bạn không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp hôi miệng sau khi thức dậy có liên quan đến các bệnh mãn tính tiềm ẩn.
Chẳng hạn như bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc một số bệnh nhiễm trùng gồm viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm nấm ở miệng cũng gây ảnh hưởng xấu đến hơi thở. Ngoài ra, trường hợp mắc bệnh gan hoặc thận cũng có thể dẫn đến hơi thở có mùi.
Trường hợp xuất phát từ bệnh lý toàn thân thì hiện tượng hơi thở có mùi hôi không chỉ xuất hiện vào thời điểm sáng sớm mới ngủ dậy mà còn kéo dài từ ngày này qua ngày khác cho đến khi được điều trị đúng cách.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,… thì tình trạng hôi miệng khá nghiêm trọng, xuất hiện vào hầu hết các thời điểm trong ngày.
III. Cách khắc phục tình trạng hôi miệng sau khi ngủ dậy
Tình trạng hôi miệng sau khi ngủ dậy có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, không một phương pháp nào có thể chấm dứt tình trạng hôi miệng chỉ sau 1 đêm, tất cả đều cần có thời gian nên để mang lại hiệu quả, bạn cần phải kiên trì thực hiện.
1. Khắc phục hôi miệng bằng cây thì là
Thì là thuộc nhóm thảo mộc, được sử dụng như một chất làm thơm miệng. Chúng có khả năng cải thiện lượng nước bọt ngăn chặn tình trạng khô miệng. Đồng thời thì là còn chứa thành phần kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong miệng. Sử dụng vài nhánh thì là trong bữa ăn hằng ngày mang lại hơi thở thơm mát.
2. Chữa hôi miệng bằng gừng
Bên cạnh khả năng khắc phục tình trạng hôi miệng, gừng còn giúp ngăn ngừa sâu răng nhờ vào đặc tính kháng khuẩn cao. Bạn có thể nhai trực tiếp gừng tươi hoặc cắt nhỏ hãm với nước sôi rồi dùng súc miệng hằng ngày.
3. Chữa hôi miệng bằng chanh
Là loại quả có khả năng diệt khuẩn và khử mùi tốt nên chanh thường được dùng để khắc phục hiện tượng hôi miệng. Đồng thời loại quả này còn giàu vitamin C tốt cho nướu răng.
Dùng nước cốt của nửa quả chanh hòa tan với 1 cốc nước và ít muối ăn, sử dụng hỗn hợp này súc miệng 2 lần/ngày. Lưu ý, vì chanh có tính axit nên tuyệt đối không được lạm dụng dễ khiến men răng bị mài mòn.
4. Rau húng chanh chữa hôi miệng
Tinh dầu trong lá húng chanh có đặc tính kháng khuẩn tốt. Để phát huy tối đa tác dụng, bạn đem lá húng chanh phơi khô, sau đó hãm với nước sôi trong khoảng 10 phút rồi dùng nước này súc miệng hằng ngày, tình trạng hôi miệng sẽ được cải thiện đáng kể.
5. Sữa chua chữa hôi miệng
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, có thể kể đến thành phần lợi khuẩn, không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn ức chế hydrogen sulfide, một chất khiến hơi thở có mùi. Mỗi ngày 1 hũ sữa chua sẽ giúp mùi hơi thở được cải thiện rõ rệt.
6. Điều trị hôi miệng tại nha khoa
Trường hợp tình trạng hơi thở có mùi của bạn xuất phát từ bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu hoặc viêm nha chu,… thì việc khắc phục tại nhà bằng phương pháp dân gian rất khó có thể hết hẳn.
Thay vào đó bạn cần đến nha khoa để được điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu như cạo vôi răng với trường hợp viêm nướu, viêm nha chu; trám răng với trường hợp răng sâu,…
Ngoài ra, nếu mắc bệnh lý mãn tính toàn thân dẫn đến chứng hôi miệng, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân và đưa ra những chỉ định phù hợp.
IV. Cách phòng tránh hiện tượng hôi miệng sau khi ngủ dậy
Chứng hôi miệng phần lớn xuất phát từ thói quen hằng ngày. Vậy nên, để phòng tránh hiện tượng này, bạn cần thay đổi lối sống khoa học, tích cực hơn.
1. Vệ sinh răng miệng tốt
Cần duy trì thói quen chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Đồng thời, sau mỗi bữa ăn bạn cũng nên súc miệng lại với nước.
Lưu ý, việc chải răng chỉ mới giúp làm sạch 25% mảng bám trong miệng, để hiệu quả làm sạch tốt nhất bạn cần dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý.
Bên cạnh đó, đừng quên vệ sinh bề mặt lưỡi vì nơi đây cũng chứa đầy vụn thức ăn đang phân hủy và vi khuẩn gây hôi miệng.
Định kỳ 3 tháng bạn nên thay mới bàn chải 1 lần hoặc bất kỳ khi nào thấy lông bàn chải đã mòn và tòe ra.
2. Uống nhiều nước
Uống nước không chỉ giúp loại bỏ vụn thức ăn thừa trước khi chúng phân hủy mà còn tăng tiết nước bọt, ngăn ngừa được tình trạng khô miệng, nguyên nhân gây nên chứng hôi miệng.
Và hãy nhớ rằng, nước ở đây là nước lọc. Điều đó có nghĩa là không bao gồm các loại đồ uống có hương vị và cồn như cà phê, trà, soda, nước trái cây đóng chai, rượu, bia,…
3. Ngừng hút thuốc lá
Việc hút thuốc lá thường xuyên sẽ khiến hơi thở luôn có mùi thuốc lá nghiêm trọng và còn gây ra hiện tượng khô miệng. Bên cạnh đó, chúng còn làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám, làm răng ố vàng, xỉn màu mất thẩm mỹ.
4. Cân nhắc trong việc lựa chọn thực phẩm khi ăn
Ăn trái cây, các loại rau củ quả giòn như táo, cà rốt, lê, mận,… giúp tăng tiết nước bọt và làm sạch răng rất tốt. Hoặc ngậm kẹo không đường, nhai kẹo cao su cũng là cách hạn chế tình trạng khô miệng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế những thực phẩm nặng mùi trước khi đi ngủ như hành, tỏi, cần tây, các loại thức ăn đóng hộp khó chuyển hóa,…
5. Thăm khám nha khoa thường xuyên
Định kỳ 3 – 6 tháng, bạn cần đến nha khoa để nha sĩ cạo vôi răng và kiểm tra răng miệng. Điều này giúp phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề có thể xảy ra.
Hôi miệng sau khi ngủ dậy có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng có thể là do bệnh lý. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.