Không chỉ răng mà lưỡi cũng cần được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày nếu không muốn hơi thở có mùi hôi khó chịu. Vậy cách vệ sinh lưỡi như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây để được hướng dẫn chi tiết.
Mục Lục
I. Lợi ích khi vệ sinh lưỡi
Lưỡi là cơ quan vị giác, giúp ta cảm nhận được mùi vị của thức ăn, nước uống và hỗ trợ các hoạt động nhai nuốt, nói chuyện. Vì là cơ quan đầu tiên và thường xuyên tiếp xúc với thức ăn, đồ uống nên bề mặt lưỡi cũng là nơi tồn đọng nhiều mảng bám, vụn thức ăn thừa.
Nếu không được làm sạch hằng ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây hại. Các nghiên cứu đã chỉ ra, thói quen làm sạch lưỡi thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
1. Loại bỏ vi khuẩn và giảm chứng hôi miệng
Không ít người gặp phải tình trạng hôi miệng dù đã đánh răng và dùng nước súc miệng thường xuyên. Điều này có thể do lưỡi không được vệ sinh đúng cách. Một nghiên cứu vào năm 2004 trên trang Journal of Periodontology đã chứng minh việc cạo lưỡi giúp loại bỏ tới 75% hợp chất volatile sulfur compounds (VSC) gây hôi miệng.
Và thói quen vệ sinh lưỡi cũng giúp giảm lượng vi khuẩn trên bề mặt lưỡi. Do đó, để kiểm soát tốt sự phát triển của vi khuẩn, bạn cần duy trì việc vệ sinh lưỡi và chải răng thường xuyên.
2. Giảm mảng bám
Lưỡi cũng là nơi tồn đọng nhiều vụn thức ăn, nên nếu không được làm sạch sẽ tăng nguy cơ hình thành các mảng bám màu trắng đục, thậm chí là vàng gây mất thẩm mỹ. Chăm chỉ vệ sinh vùng lưỡi hằng ngày sẽ giúp giảm bớt tình trạng lưỡi trắng do mảng bám.
3. Tạo cảm giác ngon miệng khi ăn uống
Bề mặt của lưỡi chứa nhiều núm vị giác giúp cảm nhận mùi vị món ăn. Khi lưỡi bị bao phủ bởi mảng bám, cặn thức ăn sẽ làm các núm vị giác không thể tiếp xúc với thức ăn, từ đó khiến người bệnh không thể cảm nhận hương vị một cách trọn vẹn nhất.
Vì vậy, vệ sinh lưỡi đúng cách giúp loại bỏ mảng bám, từ đó kích thích vị giác, ăn uống ngon miệng hơn, cảm nhận tốt hương vị đồ ăn, nhất là những món ăn chứa đường và acid citric.
4. Mang lại cảm giác dễ chịu
Lưỡi sạch sẽ luôn mang đến cảm giác tươi mới, sảng khoái và trở nên tự tin hơn. Đặc biệt, việc vệ sinh lưỡi cũng tương tự như đang massage cho lưỡi. Điều này sẽ giúp cơ thể tiết ra hormone dopamine đem lại sự dễ chịu, thoải mái.
Ngoài ra, vệ sinh lưỡi thường xuyên còn giúp sức khỏe của răng và nướu trở nên tốt hơn, hạn chế được tình trạng sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu. Đồng thời còn cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
II. Vệ sinh lưỡi bao nhiêu lâu 1 lần
Cạo lưỡi được khuyến khích thực hiện như một thói quen chăm sóc răng miệng. Vì vậy cần thực hiện hằng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tần suất dành cho việc vệ sinh lưỡi là 1 – 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy.
Có một số trường hợp người bệnh bị hôi miệng lầm tưởng nguyên nhân chủ yếu là do lưỡi nên cạo lưỡi rất nhiều lần trong ngày. Điều này có thể làm tổn thương đến lưỡi. Cạo lưỡi không thể hết hôi miệng ngay lập tức mà cần kết hợp đánh răng và dùng nước súc miệng thường xuyên mới có thể dần cải thiện.
Trường hợp mảng bám ở lưỡi quá dày, bạn không nên cố gắng loại bỏ ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào đó trong cơ thể. Bạn có thể chú ý những biểu hiện khác của cơ thể và đến bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
III. Các cách vệ sinh lưỡi tại nhà giúp hơi thở thơm tho
Vệ sinh lưỡi thường xuyên và đúng cách sẽ giúp hơi thở thơm tho, sạch sẽ và hạn chế những bệnh lý răng miệng có thể xảy ra.
1. Dụng cụ nạo lưỡi
Làm sạch lưỡi bằng dụng cụ nạo lưỡi mang lại hiệu quả làm sạch tốt hơn so với các phương pháp khác. Trước tiên, làm sạch dụng cụ nạo lưỡi, sau đó cố gắng thè lưỡi ra khỏi khoang miệng nhiều nhất có thể.
Đặt dụng cụ nạo lưỡi ở phía cuống lưỡi và từ từ di chuyển về phía đầu lưỡi. Lặp đi lặp lại khoảng 3 – 5 lần để mảng bám được loại bỏ sạch sẽ.
Tùy vào mảng bám trên lưỡi mà bạn có thể tự điều chỉnh vị trí đặt dụng cụ cũng như lực nhấn phù hợp. Sau khi hoàn tất bước nạo lưỡi, bạn nên súc miệng lại với nước để khoang miệng sạch sẽ.
2. Bàn chải đánh răng làm sạch lưỡi
Sau khi chải răng, bạn có thể tiếp tục dùng bàn chải này để vệ sinh mặt lưỡi. Mặc dù hiệu quả không bằng dụng cụ nạo lưỡi nhưng về cơ bản vẫn giúp lưỡi được làm sạch đáng kể.
Ở phương pháp này, bạn cũng cần cố gắng đưa lưỡi ra khỏi khoang miệng một cách nhiều nhất có thể. Sau đó dùng bàn chải đặt ở cuống lưỡi và chải nhẹ theo chiều dọc đến đầu lưỡi. Cuối cùng súc miệng lại với nước loại bỏ cặn bẩn và nước bọt thừa.
3. Sử dụng nước súc miệng
Khi hoàn tất việc đánh răng và chải lưỡi, bạn có thể dùng thêm nước súc miệng giúp hiệu quả làm sạch tốt nhất. Nếu gặp tình trạng hôi miệng, bạn có thể tìm mua những loại nước súc miệng có chức năng giảm hôi miệng hoặc tham khảo ý kiến từ nha sĩ để chọn được loại nước súc miệng phù hợp.
4. Sử dụng muối làm sạch lưỡi
Trong muối có chứa thành phần kháng khuẩn và chống viêm rất tốt. Hơn hết, các hạt muối còn có hiệu quả làm sạch khá. Bạn dùng một ít muối ăn cho vào bàn chải hoặc để trực tiếp lên bề mặt lưỡi, sau đó chải nhẹ lưỡi trong khoảng 1 phút rồi súc miệng lại bằng nước sạch. Với phương pháp này, mỗi ngày bạn chỉ cần thực hiện 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
5. Sử dụng mật ong làm sạch lưỡi
Vì có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và lành thương nhanh nên mật ong cũng thường được dùng để súc miệng. Pha 1 – 2 muỗng cà phê mật ong vào ly nước ấm rồi súc miệng hằng ngày. Lưu ý, sau khi súc miệng bằng mật ong bạn cũng cần súc lại nước sạch. Phương pháp này nên thực hiện sau bước chải răng và lưỡi.
6. Sử dụng nghệ
Trộn một ít bột nghệ với nước ép chanh hoặc cam quýt. Tiếp theo, dùng hỗn hợp này chà xát lên bề mặt lưỡi khoảng 2 phút rồi nhổ bỏ, súc miệng lại với nước sạch. Tinh bột nghệ chứa curcumin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và làm sạch hiệu quả.
7. Sử dụng nha đam
Chọn một bẹ nha đam tươi, rửa sạch tách vỏ và lấy phần thịt trắng bên trong ép lấy nước. Đem phần nước thu được ngậm trong miệng vài phút rồi nhổ ra và súc miệng lại bằng nước ấm. Trong nha đam chứa nhiều hợp chất kháng khuẩn, ngừa viêm và cải thiện hôi miệng tốt. Súc miệng bằng nha đam sau khi răng và lưỡi đã được làm sạch.
8. Sử dụng baking soda
Cho một lượng baking soda vừa đủ vào bàn chải đánh răng, sau đó nhẹ nhàng chải trên bề mặt lưỡi khoảng 1 phút rồi súc miệng lại bằng nước sạch. Với baking soda, mỗi tuần chỉ nên thực hiện 1 lần. Những ngày còn lại trong tuần bạn chỉ cần vệ sinh lưỡi bằng bàn chải thông thường hoặc dụng cụ cạo lưỡi.
Cách vệ sinh lưỡi đúng chuẩn sẽ mang lại hơi thở thơm mát, tự tin và hạn chế bệnh lý răng miệng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm chăm sóc răng miệng: