Khớp cắn hở được đánh giá là một dạng sai lệch về khớp cắn khá nghiêm trọng gây nhiều mối nguy hại khó lường cho bệnh nhân. Việc điều trị tình trạng này cũng khó khăn, phức tạp hơn so với các tình trạng sai khớp cắn thông thường khác. Vậy cụ thể khớp cắn hở là gì? Nguyên nhân và cách điều như thế nào hiệu quả?
Mục Lục
I. Khớp cắn hở là gì?
Khớp cắn hở là một dạng sai khớp cắn đặc biệt có biểu hiện rõ rệt, các nhóm răng hàm trên và hàm dưới không thể chạm vào nhau ở trạng thái nghỉ. Tình trạng này có thể xuất hiện tại nhóm răng cửa trước hoặc nhóm răng sau trên cung hàm.
Khi hai hàm đã đóng kín lại vẫn có khe hở giữa các răng ở 2 hàm và thậm chí có thể thấy được cả lưỡi.
II. Các loại khớp cắn hở
Khớp cắn hở có thể được chia thành 2 loại đó là:
- Cắn hở răng trước:
Tình trạng này xảy ra khi các nhóm răng cửa ở 2 hàm trên và dưới không thể chạm vào nhau khi đã khép hàm hoàn toàn hoặc ở trạng thái nghỉ ngơi. Có thể ảnh hưởng đến toàn bộ răng cửa hoặc chỉ một vài răng.
- Cắn hở răng sau:
Trong trường hợp này có thể thấy các nhóm răng phía sau bao gồm răng hàm và răng tiền hàm không thể chạm vào nhau ở mọi trạng thái. Cắn hở răng sau thường không có mối quan hệ gì đến tình trạng cắn sâu hay cắn chìa.
Ngoài ra, khớp cắn hở còn được chia thành 2 nhóm dựa theo nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là:
- Cắn hở do răng:
Xảy ra do kết quả của quá trình mọc và thay răng dẫn đến các răng mọc lệch lạc không đúng vị trí và gây khớp cắn hở.
- Cắn hở do xương hàm:
Sự phát triển bất thường ở xương hàm cũng là yếu tố góp phần làm cho tình trạng khớp cắn hở nghiêm trọng hơn.
III. Dấu hiệu nhận biết khớp cắn hở
Khớp cắn hở có các dấu hiệu rõ rệt rất dễ nhận biết được so với các dạng sai khớp cắn khác. Khi quan sát thông thường bạn sẽ dễ dàng nhận biết khớp cắn hở thông qua một số đặc điểm sau đây:
- Nhóm răng cửa (răng cửa, răng nanh) ở 2 hàm trên và dưới không chạm vào nhau mà hình thành nên một khoảng hở phía trước.
- Cung răng ở hàm trên có dạng như chữ V nếu răng cắn hở phía trước.
- Các răng hàm không thể cắn chạm vào nhau nếu răng cắn hở phía sau.
- Nếu răng cắn hở và gây vẩu sẽ thấy tương quan trán – mũi – cằm gấp khúc, gương mặt mất đi sự hài hòa, cân đối.
- Bệnh nhân bị khớp cắn hở thường gặp nhiều trở ngại mỗi khi ăn nhai, cảm giác đau buốt khi khi cắn, nhai, khả năng phát âm kém nhất là với trẻ nhỏ.
IV. Nguyên nhân gây ra khớp cắn hở
Khớp cắn hở có thể do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan gây nên. Trong đó phải kể đến các yếu tố đó là:
1. Do di truyền
Qua nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy phần lớn các trường hợp sai lệch khớp cắn trong đó có khớp cắn hở đều liên quan nhiều đến yếu tố gen di truyền.
Hiểu một cách đơn giản, khi trong tiền sử gia đình trước đó ông bà hay cha mẹ có các vấn đề sai lệch ở hàm răng, khớp cắn thì thế hệ con cháu cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải những tình trạng tương tự.
2. Do thói quen xấu
Một số thói quen ngay từ ngày bé như: mút tay, ngậm ti giả, đẩy lưỡi, thở miệng, chống cằm,… tưởng như rất bình thường nhưng khi diễn ra trong thời gian dài sẽ khó tránh khỏi khả năng làm cho hàm răng mọc lệch lạc, sai khớp cắn.
Nếu không có biện pháp loại bỏ sớm sẽ khiến cho các vấn đề sai lệch ở răng, khớp cắn hở diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.
3. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, khớp cắn hở còn có thể xảy ra do gặp tai nạn, chấn thương, va đập mạnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc răng, xương hàm mặt.
Bên cạnh đó sự khác biệt về kích thước ở 2 hàm, các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch,… cũng là yếu tố góp phần dẫn đến khớp cắn hở.
V. Tác hại của khớp cắn hở
Bất kỳ một dạng sai lệch khớp cắn nào cũng đều gây ra các ảnh hưởng không tốt cho bệnh nhân. Theo đánh giá của chuyên gia khi bị khớp cắn hở sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại nguy hiểm phải kể đến bao gồm:
1. Mất thẩm mỹ
Những bệnh nhân khi bị khớp cắn hở khi nói cười hàm răng sẽ trông rất kém tự nhiên, tổng thể gương mặt mất đi sự cân đối, hài hòa.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ của hàm răng cũng như toàn bộ gương mặt, bệnh nhân luôn cảm thấy tự ti, e dè mỗi khi giao tiếp, khó tạo được ấn tượng tốt với người đối diện.
2. Suy giảm chức năng ăn nhai
Nếu khớp cắn không chuẩn xác, 2 hàm răng không thể chạm vào nhau dù ở vị trí răng cửa hay răng hàm đều khiến cho khả năng cắn xé, nhai nghiền thức ăn giảm sút trầm trọng.
Ăn nhai kém hiệu quả, thức ăn chưa được nhai nghiền kỹ lưỡng đã đưa xuống dạ dày sẽ khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên quá tải. Lâu ngày sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, rối loạn khớp thái dương hàm, hấp thụ dinh dưỡng kém, cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, căng thẳng.
3. Ảnh hưởng phát âm
Khớp cắn hở còn là nguyên nhân khiến cho hoạt động của môi, lưỡi không được nhịp nhàng dẫn đến phát âm khó chuẩn xác như bình thường.
Lúc này bệnh nhân thường dễ bị nói ngọng, nói lắp. Không chỉ cản trở đến giao tiếp mà việc học ngoại ngữ cũng không thể đạt hiệu quả cao.
4. Tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm
Khi răng mọc lệch lạc, khớp cắn không cân đối, sát khít khiến thức ăn thừa, mảng bám dễ giắt ở răng. Quá trình vệ sinh răng miệng cũng khó khăn, kém hiệu quả, vi khuẩn dễ sinh sôi và gây nhiều bệnh lý như sâu răng, viêm tủy, viêm nướu, viêm nha chu,…
Không chỉ vậy, răng cắn hở còn được đánh giá có liên quan mật thiết đến những bệnh lý về đường hô hấp vô cùng nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan trong việc thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất có thể.
VI. Điều trị khớp cắn hở như thế nào?
Điều trị khớp cắn hở như thế nào cần phải dựa trên từng nguyên nhân, mức độ sai lệch cụ thể ở mỗi bệnh nhân.
Do đó, điều quan trọng cần làm đó là phải đến nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám, chụp x-quang chẩn đoán chính xác tình trạng và tư vấn phương pháp khắc phục hiệu quả nhất.
1. Bọc răng sứ thẩm mỹ
Bọc răng sứ áp dụng hiệu quả cho bệnh nhân trên 18 tuổi có tình trạng khớp cắn hở do răng ở mức độ đơn giản, dễ xử lý.
Để thực hiện kỹ thuật này bác sĩ sẽ mài chỉnh các răng có khiếm khuyết với một tỷ lệ an toàn cho phép. Sau đó lấy dấu mẫu hàm để chế tác mão sứ phù hợp bọc cố định lên trên trụ răng đã mài.
Hàm răng sau khi bọc sứ sẽ được cải thiện về mặt thẩm mỹ tốt hơn với màu sắc răng trắng sáng, hình dáng tự nhiên như răng thật. Đồng thời trong quá trình phục hình bác sĩ cũng đã có sự điều chỉnh về khớp cắn ở hai hàm sao cho cân đối hơn.
Bệnh nhân sẽ tự tin hơn với hàm răng trắng sáng, đều đặn. Cùng với độ bền, khả năng chịu lực cao của răng sứ sẽ giúp ăn uống thoải mái, ngon miệng hơn và không phải lo lắng các vấn đề sứt mẻ, gãy vỡ.
Toàn bộ quá trình bọc sứ sẽ trải qua ít nhất 2 cuộc hẹn và mất khoảng 2 – 4 ngày là hoàn thiện.
Các bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân sử dụng các mão răng sứ toàn sứ nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cao nhất, không bị đen viền nướu hay đổi màu răng sau nhiều năm dùng. Nếu chăm sóc răng miệng cẩn thận còn có thể duy trì thời gian sử dụng răng bền đẹp đến hơn 20 năm.
2. Niềng răng chỉnh nha
Đối với các trường hợp khớp cắn hở có nguyên nhân xuất phát do răng ở mức độ nhẹ đến nặng đều nên tiến hành niềng răng chỉnh nha sớm nhất có thể để đạt hiệu quả tốt nhất.
Độ tuổi lý tưởng nhất để niềng răng đó là từ 12 – 16 tuổi khi răng và xương hàm vẫn đang có sự phát triển mạnh. Niềng răng trong độ tuổi phù hợp sẽ hạn chế được khả năng phải nhổ răng nhưng vẫn đảm bảo kết quả đạt được tốt như mong muốn.
Không chỉ vậy, niềng răng càng sớm thì thời gian đeo niềng sẽ được rút ngắn đáng kể, không phải đeo hàm duy trì quá lâu như niềng răng lúc lớn tuổi.
Có đa dạng các phương pháp niềng răng như: niềng răng mắc cài kim loại, niềng răng mắc cài sứ, niềng răng mắc cài mặt trong, niềng răng trong suốt,… Tùy theo từng mức độ sai lệch của răng cũng như nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có sự tư vấn lựa chọn giải pháp phù hợp.
Sau khi niềng răng sẽ đem lại được một hàm răng mọc thẳng đều với khớp cắn ở hai hàm cân đối, sát khít với nhau. Nhờ vậy mà tính thẩm mỹ cũng như các chức năng ăn nhai, phát âm sẽ được cải thiện một cách hoàn hảo.
Niềng răng sẽ không xâm lấn, không mài răng, không tác động đến cấu trúc của răng thật nên được đánh giá cao với khả năng bảo tồn răng thật. Kết quả niềng răng đạt được sẽ duy trì vĩnh viễn khi thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, duy trì theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Phẫu thuật hàm
Phương pháp phẫu thuật hàm thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị khớp cắn hở có nguyên nhân xuất phát từ xương hàm.
Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần xương hàm và điều chỉnh lại tương quan khớp cắn ở hai hàm sao cho có sự cân đối, sát khít, hài hòa với tổng thể gương mặt.
Để đảm bảo phẫu thuật hàm an toàn, hiệu quả cần phải lựa chọn các địa chỉ bệnh viện chuyên khoa uy tín lâu năm.
Tại đây sẽ có các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, tay nghề giỏi, nắm vững kỹ thuật, quy trình điều trị. Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại giúp quá trình phẫu thuật diễn ra chuẩn xác, nhẹ nhàng và phòng tránh tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng khó lường.
Nếu vẫn còn có thắc mắc gì liên quan đến vấn đề khớp cắn hở là gì? Nguyên nhân và cách điều trị. Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay đến tổng đài 19007141 để được hỗ trợ tư vấn tận tình, miễn phí.