Lệch khớp cắn là một khuyết điểm răng miệng đang dần phổ biến ở nhiều đối tượng trẻ em lẫn người trưởng thành. Không chỉ làm giảm thẩm mỹ của hàm răng, gương mặt mà tình trạng này còn gây không ít trở ngại trong việc ăn nhai vô cùng khó chịu. Vậy cụ thể lệch khớp cắn là gì? Nguyên nhân do đâu? Tác hại và cách khắc phục hiệu quả như thế nào?
Mục Lục
I. Lệch khớp cắn là gì?
Khớp cắn được hiểu là sự tương quan hợp lý giữa 2 hàm trên và dưới. Trong đó cần phải đảm bảo được tỷ lệ, vị trí, hướng mọc cân xứng giữa răng và hàm.
Bên cạnh đó, khớp cắn cũng cần phải có sự hài hòa với các bộ phận trên gương mặt như mắt, mũi, cằm, trán,… ở mọi góc nhìn, tạo cảm giác tự nhiên, dễ nhìn.
Những trường hợp bị lệch khớp cắn quan sát sẽ thấy hàm trên và hàm dưới lệch tâm khiến cho hai hàm không cắn khít với nhau ngay cả ở trạng thái nghỉ.
Đồng thời tình trạng lệch khớp cắn còn được thể hiện ở việc các răng thường mọc lệch lạc khỏi tâm hàm, mọc chen chúc, mọc hướng vào trong hoặc chìa nhiều ra ngoài.
II. Dấu hiệu của lệch khớp cắn
Để nhận biết được tình trạng lệch khớp cắn bạn có thể dựa trên một số dấu hiệu thường thấy như:
- Răng mọc thừa, mọc chen chúc trên cung hàm.
- Các răng ở hàm trên hoặc hàm dưới mọc chìa ra phía trước nhiều hơn so với hàm còn lại.
- Ở trạng thái bình thường các răng ở hai hàm không sát khít nhau mà có khoảng hở.
- Quan sát đường giữa của răng cửa hàm trên với răng cửa hàm dưới không thẳng hàng với nhau.
- Trong quá trình nói chuyện, ăn uống hằng ngày thường hay vô tình cắn phải vùng lưỡi hoặc má trong.
- Phát âm không được chuẩn xác, nói chuyện khó khăn, có tình trạng nói ngọng, nói lắp.
- Khi cắn xé, nhai nghiền thức ăn có cảm giác rất khó chịu, đau mỏi ở vùng cơ hàm.
- Khó có thể ngậm miệng và khép kín được 2 hàm với nhau. Bệnh nhân có xu hướng thở miệng nhiều hơn thở mũi.
III. Nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sai lệch ở khớp cắn, trong đó phải kể đến các yếu tố như:
1. Do di truyền
Trên thực tế qua nhiều thống kê cho thấy có đến hơn 70% các trường hợp lệch khớp cắn có liên quan đến yếu tố di truyền.
Nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ có các vấn đề khiếm khuyết ở răng miệng như lệch khớp cắn thì khả năng cao thế hệ con cháu cũng sẽ gặp tình trạng tương tự.
2. Do thói quen xấu
Các thói quen xấu như: mút tay, đẩy lưỡi, chống cằm, thở miệng hay ngậm ti giả lâu ngày có thể khiến cho các răng mọc sai lệch, mọc không đúng vị trí. Nếu cứ tiếp diễn trong thời gian sẽ làm tình trạng sai lệch khớp cắn thêm nghiêm trọng hơn.
3. Do răng sữa mất sớm hoặc trễ
Khi răng sữa bị mất sớm hoặc trễ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mọc lên của răng vĩnh viễn. Nguy cơ cao dẫn đến tình trạng các răng mọc chen chúc trên cung hàm, mọc chìa ra ngoài hoặc lệch vào trong khiến khớp cắn có sự sai lệch rõ rệt.
4. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì khớp cắn cũng dễ bị sai lệch khi gặp phải các tai nạn, chấn thương ở vùng răng hàm mặt. Hay do sự khác biệt về kích thước của 2 hàm, kích thước của răng quá to hoặc quá nhỏ so với hàm, dị tật hàm bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch,…
IV. Các dạng sai lệch khớp cắn thường gặp
Lệch khớp cắn có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp sai lệch khớp cắn thường gặp nhất:
1. Khớp cắn sâu
Biểu hiện ở dạng sai khớp cắn này đó là:
Ở trạng thái bình thường hoặc khi cắn lại sẽ thấy nhóm răng trước hàm trên che khuất hàm dưới.
Những trường hợp nặng rìa răng trước của hàm dưới có tình trạng chạm vào nướu trong hàm trên.
Tương quan trán – mũi – cằm có thể bị lệch hoặc không.
2. Khớp cắn đối đầu
Những bệnh nhân có khớp cắn đối đầu quan sát sẽ thấy:
Khi cắn lại các răng cửa ở hàm trên và hàm dưới sẽ tiếp xúc với nhau.
Vùng răng hàm không chạm vào nhau hoặc chạm rất ít.
3. Khớp cắn chéo
Khớp cắn chéo với các biểu hiện:
Các răng mọc sai lệch, có răng mọc nhô ra, có răng mọc thụt vào không theo quy luật nào cả.
Đường trục nối đi qua trán – mũi- cằm tạo thành một đường gấp khúc ở khe răng cửa.
4. Khớp cắn hô vẩu
Khớp cắn hô vẩu rất dễ nhận biết với đặc trưng đó là hai hàm có sự mất cân đối rõ rệt, hàm trên mọc đưa ra phía trước nhiều hơn so với hàm dưới.
Nhóm răng hàm phía sau ở hai hàm vẫn có thể tiếp xúc nhau. Tỷ lệ gương mặt không hài hòa, hô vẩu càng nặng thì khoảng cách giữa hàm trên và hàm dưới càng lớn.
5. Khớp cắn ngược (hàm móm)
Đối với tình trạng này nhóm răng cửa ở hàm dưới sẽ mọc chìa ra phía trước nhiều hơn so với nhóm răng cửa hàm trên.
Những trường hợp khớp cắn ngược nghiêm trọng quan sát sẽ thấy đường thẳng đi từ trán đến giữa mũi bị gãy khúc, không thẳng. Ở góc nghiêng trông gương mặt biến dạng giống như hình lưỡi cày.
6. Khớp cắn hở
Là tình trạng nhóm răng cửa ở hàm trên và hàm dưới không chạm vào nhau, tạo khoảng hở dù răng ở bất cứ trạng thái nào.
Khi giao tiếp người đối diện còn có thể thấy cả phần lưỡi của bệnh nhân.
V. Tác hại của sai lệch khớp cắn
Các sai lệch ở hàm răng, khớp cắn là nguyên nhân hàng đầu khiến cho gương mặt mất cân đối, kém thẩm mỹ trầm trọng. Từ đó hình thành tâm lý tự ti, lo ngại mỗi khi phải giao tiếp, gặp gỡ với mọi người xung quanh.
Trong nhiều trường hợp sai lệch khớp cắn nặng nề còn làm cho gương mặt trông trở nên biến dạng, xuất hiện tình trạng nhăn nheo, chảy xệ ở vùng da mặt. Điều này làm cho diện mạo của bệnh nhân trông già nua đi rất nhiều so với độ tuổi thật.
Tương quan khớp cắn ở 2 hàm không đạt chuẩn sẽ làm cho khả năng ăn nhai không được hiệu quả, ăn uống không ngon miệng, dễ cắn phải môi má khi ăn nhai.
Thức ăn khó được nhai nghiền nhỏ lâu ngày có thể gây áp lực lớn cho hệ tiêu hóa và làm phát sinh thêm các bệnh lý ở dạ dày, hấp thụ dinh dưỡng kém, cơ thể dễ suy nhược,…
Khớp cắn lệch lạc còn là nguyên nhân khiến cho phát âm không được chuẩn xác. Bệnh nhân dễ bị nói ngọng, nói lắp làm cho việc giao tiếp cũng như học ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn hơn.
Các răng mọc lệch lạc không đúng vị trí, khớp cắn không sát khít rất dễ giắt thức ăn thừa, mảng bám khó làm sạch. Lâu ngày sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi nhiều gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…
Khớp cắn bị lệch còn khiến cho cơ hàm phải hoạt động với tần suất cao dẫn đến tình trạng co thắt ở cơ, rối loạn khớp thái dương hàm. Bệnh nhân sẽ chịu nhiều cơn đau đớn khi ăn uống, cử động cơ hàm khiến cho sức khỏe, tinh thần giảm sút đáng kể.
VI. Các giải pháp điều trị lệch khớp cắn
Để nhận biết được chính xác tình trạng sai lệch ở khớp cắn, tốt hơn hết bệnh nhân cần đến nha khoa uy tín để thăm khám, chụp phim x-quang cụ thể. Từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ lệch lạc như thế nào để đưa ra giải pháp khắc phục tối ưu.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị lệch khớp cắn đang được áp dụng phổ biến gồm:
1. Niềng răng chỉnh nha
Áp dụng phù hợp trong các trường hợp lệch khớp cắn có nguyên nhân xuất phát từ răng ở mọi mức độ từ dễ đến khó.
Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều loại khí cụ chuyên dụng gắn trực tiếp lên răng để tạo lực nắn chỉnh các răng dần về vị trí đều đẹp, chuẩn khớp cắn trên cung hàm.
Bệnh nhân sẽ trải qua quá trình niềng răng chỉnh nha kéo dài từ 18 – 24 tháng hoặc lâu hơn nếu sai lệch khớp cắn nặng mới đạt được kết quả như mong muốn.
Tùy vào từng tình trạng cũng như các nhu cầu về mặt thẩm mỹ mà bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân chọn một trong các phương pháp niềng răng như: niềng răng mắc cài kim loại, niềng răng mắc cài sứ, niềng răng mắc cài mặt trong, niềng răng trong suốt.
2. Bọc răng sứ thẩm mỹ
Bọc răng sứ chỉ phù hợp khi răng mọc sai lệch do răng ở mức độ nhẹ, dễ xử lý.
Phương pháp này cần phải mài chỉnh răng với một tỷ lệ chuẩn xác để tạo trụ răng. Sau đó bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để thiết kế, chế tác mão răng sứ phù hợp gắn cố định lên trên răng trụ.
Sau khi bọc sứ sẽ đem lại thẩm mỹ khá tốt, trong quá trình phục hình bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh khớp cắn ở 2 hàm sao cho cân đối hơn. Bệnh nhân sẽ tự tin khi cười nói, ăn nhai cũng thoải mái, ngon miệng hơn trước.
Thời gian bọc sứ chỉ mất khoảng 2 – 4 ngày sau ít nhất 2 cuộc hẹn đến nha khoa. Bệnh nhân nên ưu tiên chọn dùng mão răng toàn sứ để đạt thẩm mỹ hoàn hảo, bền chắc cao với thời gian sử dụng lâu dài lên đến 20 năm hoặc lâu hơn nếu chú ý chăm sóc tốt.
3. Phẫu thuật hàm
Đây là phương pháp khắc phục tốt nhất cho bệnh nhân bị sai lệch khớp cắn do cấu trúc xương hàm.
Với phương pháp này bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bớt một phần của xương hàm sau đó điều chỉnh hàm về vị trí phù hợp, cân đối, hài hòa với gương mặt.
Phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên phải được thực hiện tại các địa chỉ uy tín lâu năm, bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng mới đảm bảo an toàn và đạt kết quả thành công như mong đợi.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp những thông tin về tình trạng lệch khớp cắn cũng như các biện pháp khắc phục hiệu quả là gì. Nếu vẫn còn bất cứ thắc mắc nào khác hãy liên hệ đến số hotline 19007141 để được tư vấn chi tiết hơn!
Xem thêm răng hô móm: