Đau nhức răng là một trong những bệnh lý răng miệng tương đối phổ biến mà hầu hết ai cũng từng gặp ít nhất 1 lần trong đời. Vậy nguyên nhân gây đau nhức răng là gì và cách điều trị, phòng ngừa như thế nào?
Mục Lục
I. Nguyên nhân gây đau răng
Cơn đau nhức răng có thể xuất hiện ở hình thức đau ê ẩm, đau dữ dội hoặc đau đột ngột về đêm. Cơn đau này có thể kéo dài liên tục nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện thoáng qua. Nguyên nhân gây đau nhức răng phổ biến nhất có thể kể đến là:
1. Sâu răng
Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ và chế độ ăn nhiều đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển phá hủy lớp men răng, hình thành những lỗ sâu trên bề mặt răng. Khi đó, phần ngà và tủy răng bên trong không còn lớp bảo vệ sẽ xảy ra hiện tượng kích thích bởi nhiệt độ nóng lạnh từ thức ăn và gây cảm giác đau nhức.
2. Răng bị nứt, sứt mẻ
Chiếc răng bị nứt, sứt mẻ làm lộ ngà răng ra ngoài sẽ có cảm giác đau khi cắn hoặc ăn nhai. Đặc biệt, răng còn tăng độ nhạy cảm khi gặp đồ lạnh, đồ chua hoặc ngọt. Mức độ nhạy cảm phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của vết nứt, sứt mẻ.
3. Viêm tủy
Là do sự tiến triển của bệnh sâu răng hoặc các chấn thương khiến tủy răng bị tổn thương, viêm nhiễm. Ở giai đoạn đầu, răng có dấu hiệu nhạy cảm với thức ăn hoặc đồ uống nóng lạnh.
Khi viêm tủy tiến triển nghiêm trọng hơn, bạn sẽ cảm nhận cơn đau nhức răng dữ dội, đặc biệt là thời điểm ban đêm. Viêm tủy răng nếu không sớm can thiệp điều trị sẽ gây viêm nhiễm, áp xe, thậm chí là mất răng.
4. Áp xe răng
Đây là kết quả của tình trạng nhiễm trùng chân răng, xảy ra khi xoang sâu phát triển hoặc răng gặp chấn thương làm tổn thương đến tủy. Lúc này, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây hiện tượng sưng viêm, đau nhức và hình thành dịch mủ tích tụ trong chân răng.
Áp xe răng không chỉ gây mất răng mà còn có khả năng tổn thương xương hàm và các mô xung quanh nếu không được điều trị sớm.
5. Mọc răng khôn
Đôi khi đau nhức ở răng cũng có thể xuất phát từ việc bạn đang mọc răng khôn. Vì răng khôn là chiếc răng mọc lên cuối cùng trên cung hàm nên không còn đủ không gian để trồi thẳng, dẫn đến hiện tượng mọc lệch, mọc ngầm và gây đau nhức.
II. Biến chứng có thể xảy ra
Có thể nói, đau nhức răng là cơn ác mộng của nhiều người, khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, ngủ không ngon giấc, tính tình trở nên cáu gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Như đã đề cập ở trên, cơn đau nhức răng thường xuất phát từ những bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm tủy, áp xe, mọc răng khôn,…
Do đó, việc chủ quan, chậm trễ điều trị sẽ khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, viêm nhiễm lây lan sang các răng bên cạnh, tổn thương xương hàm, mất răng,…
Bên cạnh đó, viêm nhiễm từ răng miệng còn giúp cho vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gián tiếp gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiểu đường,…
III. Cách điều trị đau nhức răng tại nhà
Khi gặp tình trạng đau nhức răng nhưng chưa sắp xếp được công việc cũng như thời gian đến nha khoa, bạn có thể áp dụng những phương pháp tại nhà sau để giảm cảm giác nhức răng.
Lưu ý, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, không thể điều trị triệt để cơn đau răng nên đến nha khoa để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp là điều cần thiết. Một số cách giảm nhức răng tại nhà mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
1. Giảm đau răng bằng chườm lạnh
Cho ít đá vào túi vải hoặc khăn bông, sau đó chườm nhẹ lên má ngay tại vị trí nhức răng. Mỗi lần chườm khoảng 10 – 15 phút và thực hiện nhiều lần trong ngày sẽ thấy cơn đau được cải thiện rõ rệt.
2. Súc miệng bằng nước muối
Muối có đặc tính sát khuẩn giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công vào vị trí tổn thương gây sưng viêm. Cho 1 muỗng cà phê muối vào ly nước ấm, khuấy cho tan đều rồi súc miệng. Lưu ý, khi nếm thấy vị nước muối hơi lợ lợ là được, không nên pha quá nhiều muối. Hoặc tốt nhất bạn có thể mua nước muối sinh lý tại cửa hàng, hiệu thuốc.
3. Dùng hành tây chữa nhức răng
Nguyên liệu quen thuộc trong bếp này có công dụng giảm đau răng hiệu quả nhờ vào đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm tốt. Dùng hành tây ép lấy nước và bôi lên vùng răng bị đau. Hoặc cắt hành thành từng lát mỏng rồi đặt tập trung ở vùng răng đau nhức và nhai cho đến khi không còn cảm nhận được mùi hăng của hành.
4. Giảm đau răng bằng bạc hà
Với tinh dầu bạc hà, bạn có thể lấy bông gòn thấm một ít rồi bôi lên vị trí chiếc răng bị nhức. Hoặc cũng có thể giã nhuyễn lá bạc hà rồi đắp trực tiếp lên răng. Lá bạc hà không chỉ có khả năng giảm đau mà còn giúp hơi thở thơm mát, dễ chịu.
5. Giảm đau răng bằng tinh dầu hoa oải hương
Tinh dầu hoa oải hương có đặc tính giảm đau, kháng khuẩn hiệu quả. Pha từ 2 – 3 giọt tinh dầu hoa oải hương vào cốc nước ấm và đem súc miệng hằng ngày. Hoặc bôi trực tiếp tinh dầu hoa oải hương lên chiếc răng bị đau rồi súc miệng lại với nước.
IV. Cách chữa trị đau răng bằng thuốc
Một số loại thuốc giúp giảm đau răng thường được sử dụng như:
1. Thuốc Paracetamol
Đây là loại thuốc giảm đau, hạ sốt tương đối phổ biến, chúng bắt đầu có tác dụng sau khi uống khoảng 15 – 30 phút và hiệu quả kéo dài trong 4 – 6 tiếng.
Các dạng Paracetamol được dùng phổ biến khi đau răng bao gồm dạng viên nén, dạng tan (đặt trên đầu lưỡi để tan dần), dạng sủi (hòa tan với nước). Phụ nữ mang thai và đang cho con bú vẫn có thể sử dụng Paracetamol nhưng tốt nhất vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2. Nhóm thuốc gây tê tại chỗ
Loại thuốc này được dùng để bôi trực tiếp vào vùng răng bị đau. Đại diện của nhóm thuốc gây tê tại chỗ bao gồm: Lidocaine, Benzocaine, Tetracaine, Prilocaine,…
Ưu điểm của thuốc gây tê tại chỗ là giúp giảm đau nhanh chóng, chỉ mất khoảng 30 – 60 giây là thuốc đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hiệu quả giảm đau thường ngắn, chỉ được 30 – 60 phút nên cần dùng nhiều lần trong ngày.
3. Nhóm thuốc chống viêm không steroid
Là một trong những loại thuốc giảm đau cấp tốc với đại diện là ibuprofen, naproxen hoặc gel diclofenac. Trong đó, ibuprofen là loại thuốc chống viêm, giảm đau không steroid có tác dụng rất lớn đối với trường hợp đau nhức răng.
Nhóm thuốc chống viêm không steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ cho tim mạch, hệ tiêu hóa,… nên cần sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo, tránh sử dụng trong thời gian dài.
V. Khi nào thì nên đi gặp bác sĩ?
Nguyên nhân đau nhức răng đều xuất phát từ bệnh lý răng miệng vì vậy mà việc điều trị tại nhà chỉ là biện pháp tạm thời, tình trạng đau nhức vẫn có khả năng tái diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, trong hầu hết các trường hợp bị đau nhức răng, người bệnh nên sớm đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân, từ đó chỉ định phương pháp điều trị triệt để.
Trường hợp đau răng do sâu răng hoặc răng sứt mẻ, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách nạo bỏ phần xoang sâu rồi phục hình lại thân răng bằng phương pháp hàn trám hoặc bọc sứ tùy thuộc vào mức độ mô răng bị phá hủy.
Đối với tình trạng răng viêm tủy, việc chữa tủy sẽ được thực hiện, sau đó làm đầy ống tủy và tiến hành trám bít hoặc bọc sứ để khôi phục chức năng ăn nhai, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Nếu răng đau do bị áp xe, bác sĩ sẽ rạch mở phần niêm mạc bị tổn thương, hút bỏ dịch mủ, làm sạch và khâu vết thương lại. Đồng thời bệnh nhân được kê thêm thuốc kháng sinh để giảm tình trạng sưng viêm. Trường hợp áp xe nghiêm trọng, răng không thể điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng và làm sạch ổ mủ.
Còn với tình trạng đau do mọc răng khôn, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp X-quang kiểm tra hướng mọc, sự tương quan giữa răng khôn với các mô khác, sau đó thực hiện tiểu phẫu lấy răng khôn ra ngoài.
VI. Biện pháp phòng ngừa đau nhức răng
Việc tuân thủ nguyên tắc vệ sinh răng miệng đúng cách, khoa học được xem là biện pháp phòng ngừa đau nhức răng tốt nhất:
- Đảm bảo đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm và chải nhẹ tay theo chiều dọc của răng, tránh chải mạnh theo chiều ngang.
- Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa nồng độ fluor phù hợp giúp răng được chắc khỏe.
- Kết hợp dùng máy tăm nước hoặc chỉ nha khoa làm sạch mảng bám, vụn thức ăn thừa trong kẽ răng.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột. Thay vào đó nên tăng cường những loại rau củ quả giàu chất xơ và vitamin.
- Uống nhiều nước lọc giúp rửa trôi axit và vụn thức ăn thừa trong khoang miệng. Đồng thời còn ngăn ngừa tình trạng khô miệng, nguyên nhân gây sâu răng.
- Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa 6 tháng/lần giúp kiểm soát tình trạng răng miệng một cách tốt nhất, kịp thời phát hiện và điều trị vấn đề răng miệng có thể xảy ra.
Như vậy, việc xác định được nguyên nhân đau nhức răng sẽ có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ vào số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm mọc răng:
- Quá trình trẻ mọc răng qua các giai đoạn
- Lịch mọc răng của trẻ
- Trẻ mấy tuổi thay răng
- Bé sưng lợi bao lâu thì mọc răng
Xem thêm răng nứt – vỡ – mẻ:
Xem thêm sâu răng: