Niềng răng là một trong những phương pháp giúp khắc phục tình trạng răng hô hiệu quả, mang lại hàm răng đều đặn với khớp cắn chuẩn, gương mặt hài hòa. Tuy nhiên, có một vài trường hợp niềng răng xong bị hô lại. Vậy thực tế niềng răng có bị hô lại không? Nguyên nhân là gì và cách khắc phục như thế nào?
Mục Lục
I. Niềng răng có bị hô lại không?
Niềng răng là giải pháp nắn chỉnh, dịch chuyển răng về đúng vị trí trên cung hàm nhờ vào việc điều chỉnh lực kéo từ khí cụ chỉnh nha (mắc cài, dây cung hoặc khay niềng). Mục đích cuối cùng của phương pháp niềng răng không chỉ mang lại hàm răng đều đặn mà còn đảm bảo khớp chắn đạt chuẩn, chính xác.
Thông thường, tỷ lệ người niềng răng hài lòng với hàm răng của mình sau khi tháo niềng rất cao. Song vẫn có một số ít trường hợp xảy ra tình trạng hô lại sau khi niềng răng. Vì thời gian đầu sau khi tháo niềng, phần xương ổ răng vẫn chưa được tái tạo hoàn toàn nên răng sẽ yếu hơn bình thường và dễ di chuyển.
Thêm vào đó, ngay cả khi răng đã được dịch chuyển đến vị trí tốt hơn thì vẫn có xu hướng quay trở lại vị trí ban đầu do các sợi đàn hồi trong nướu. Từ đó gây tình trạng hô tái phát.
II. Nguyên nhân niềng răng xong bị hô lại
Tình trạng niềng răng xong bị hô lại thường liên quan đến thói quen sinh hoạt của người bệnh hoặc cũng có thể xảy ra do tay nghề của bác sĩ.
1. Không đeo hàm duy trì
Nhiều người nghĩ sau khi tháo niềng là xong nên thường chủ quan không đeo hàm duy trì như chỉ định từ bác sĩ dẫn đến tình trạng răng xô lệch, tái phát hô trở lại. Trên thực tế, hàm duy trì chính là thử thách cuối cùng mà bạn cần vượt qua để có một hàm răng đẹp.
Khi tháo niềng, cần có một khoảng thời gian nhất định để tái tạo xương và các mô liên kết quanh răng ổn định tại vị trí mới. Việc đeo hàm duy trì nhằm cố định răng tại đúng vị trí, tránh tình trạng chúng di chuyển không mong muốn.
Mặt khác, có nhiều bạn đeo hàm duy trì nhưng lại đeo không đủ thời gian, thường hay quên thì tình trạng hô tái phát sau niềng cũng không thể tránh khỏi.
2. Thói quen ăn uống, sinh hoạt
Như đã đề cập ở phần đầu, răng vừa mới tháo niềng còn yếu, chưa ổn định tại vị trí mới nên rất dễ bị dịch chuyển nếu thường xuyên chịu các tác động lực mạnh. Do đó, hô răng tái phát sau niềng hoàn toàn có thể xảy ra nếu:
- Có tật đẩy lưỡi, hay dùng lưỡi chạm vào nhóm răng cửa.
- Nghiến răng khi ngủ hoặc thói quen há miệng thở khi ngủ.
- Thường xuyên ăn thực phẩm dai cứng.
- Hay dùng răng cửa cắn, gặm hoa quả.
3. Quá trình niềng răng chưa đúng phương pháp, kỹ thuật
Nha sĩ không đủ kinh nghiệm và chuyên môn dẫn đến việc chẩn đoán thiếu chính xác tình trạng hô của bệnh nhân, từ đó kéo theo những chỉ định không phù hợp.
Hoặc sai sót trong việc sử dụng lực kéo khi niềng, vị trí đặt mắc cài, phương pháp di răng, thời điểm chỉ định tháo niềng quá sớm,… Tất cả những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng hô răng tái phát. Đây cũng là lý do mà các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh cần tìm hiểu rõ địa chỉ niềng răng trước khi thực hiện, đừng vì giá rẻ mà lựa chọn nha khoa kém uy tín.
III. Nên làm gì khi bị hô răng sau khi tháo niềng?
Hô lại sau khi niềng chắc chắn sẽ khiến người bệnh hoang mang, lo lắng vì khả năng niềng lại rất cao. Đây là điều mà không ai mong muốn vì vừa tốn kém lại vừa mất thời gian.
Nếu nằm trong tình huống này, trước tiên bạn cần đến thăm khám tại một nha khoa uy tín, đáng tin cậy để bác sĩ kiểm tra và xác định nguyên nhân cũng như mức độ tái phát răng hô, từ đó có phương pháp giải quyết phù hợp.
Trường hợp răng chỉ chìa ra ngoài một chút và nằm trong khoảng thời gian từ 1 – 6 tháng sau khi tháo niềng thì bạn có thể đeo hàm duy trì để cải thiện. Thông thường giai đoạn này, răng vẫn chưa ổn định trong xương ổ răng nên hàm duy trì vẫn có tác dụng.
Tuy nhiên, trường hợp phát hiện răng hô sau khi niềng khoảng trên 1 năm thì việc đeo hàm duy trì không còn khả quan. Vì lúc này răng đã ổn định tại vị trí mới, lực tác động từ hàm duy trì không thể khiến răng dịch chuyển. Thay vào đó, bạn sẽ phải niềng răng lại để cải thiện.
IV. Cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng hô răng sau khi niềng?
Để hạn chế tối đa tình trạng hô lại sau khi tháo niềng, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
Trước tiên cần chọn địa chỉ niềng răng uy tín, chất lượng, nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, đảm bảo mang lại hiệu quả tối ưu, ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Tuân thủ đúng kế hoạch điều trị từ bác sĩ, thăm khám đúng hẹn và tháo niềng đúng thời gian chỉ định. Chỉ những trường hợp bất khả kháng mới thực hiện tháo niềng theo mong muốn của bệnh nhân.
Sau khi tháo niềng cần đeo hàm duy trì theo quy định của bác sĩ. Nếu sử dụng hàm duy trì tháo lắp thì trong 6 tháng đầu tiên cần đeo liên tục cả ngày lẫn đêm. Sau đó có thể đeo buổi tối. Vài năm sau đeo thưa hơn, chỉ cần đeo 2 – 3 buổi trong tuần. Lưu ý, thời gian đeo hàm duy trì sẽ có sự khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào tình trạng răng miệng.
Từ bỏ những thói quen xấu như tật đẩy lưỡi, nghiến răng, cắn móng tay,… Trường hợp nghiến răng khi ngủ, bạn có thể đeo máng chống nghiến để cải thiện.
Chế độ ăn uống trong những tháng đầu vừa mới tháo niềng cần ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nhai dễ nuốt. Tránh những món quá dai cứng. Đặc biệt thời gian này răng tương đối nhạy cảm nên cần hạn chế thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá chua.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Chải răng tối thiểu 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng chứa nồng độ fluor phù hợp. Kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để hiệu quả làm sạch tốt nhất, ngăn ngừa bệnh lý răng miệng.
Tuy đã tháo niềng nhưng bạn vẫn cần thăm khám nha khoa định kỳ khoảng 3 – 6 tháng/lần. Điều này giúp theo dõi sát sao tình trạng răng miệng và kịp thời xử lý các vấn đề bất thường.
Niềng răng có bị hô lại không phụ thuộc rất lớn vào trình độ tay nghề của bác sĩ cũng như thói quen chăm sóc răng sau khi tháo niềng. Việc xác định được nguyên nhân sẽ có biện pháp xử lý và phòng ngừa hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 để được giải đáp nhanh nhất.