Vô trùng dụng cụ là bước cực kỳ quan trọng trong nha khoa nhằm loại bỏ và tiêu diệt mầm bệnh. Vậy quy trình vô trùng dụng cụ nha khoa đúng chuẩn diễn ra như thế nào và tại sao cần phải thực hiện?
Mục Lục
I. Tại sao cần phải vô trùng dụng cụ nha khoa?
Thực hiện vô trùng nha khoa đúng chuẩn là bảo vệ bệnh nhân và cả nha sĩ. Chúng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trên dụng cụ trong suốt thời gian thực hiện. Đồng thời đảm bảo rằng vi khuẩn trong miệng của bệnh nhân không xảy ra tình trạng lây lan chéo.
Khi thực hiện các thủ thuật nha khoa, dụng cụ và thiết bị sẽ tiếp xúc với máu và nước bọt của bệnh nhân. Các vi sinh vật có trong máu và nước bọt có thể mang vi khuẩn và mầm bệnh như viêm gan, tụ cầu khuẩn, lao, HIV,… Chúng lưu lại trên các dụng cụ không được khử trùng hoặc khử trùng kém, sau đó lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
Ngược lại, nếu tất cả các thiết bị, dụng cụ được vô trùng đúng chuẩn thì khả năng lây nhiễm là không có hoặc xác suất cực thấp. Điều này lý giải tại sao vô trùng dụng cụ nha khoa lại đặc biệt quan trọng đến vậy.
II. Quy trình vô trùng dụng cụ nha khoa
Vô trùng dụng cụ nha khoa là quy trình khép kín, trải qua nhiều giai đoạn với sự hỗ trợ của thiết bị dụng cụ máy móc chuyên dụng.
1. Phân loại và khử trùng dụng cụ
Trước khi khử trùng dụng cụ nha khoa, toàn bộ dụng cụ cần được phân loại cụ thể. Với những dụng cụ dùng 1 lần như ly nước súc miệng, găng tay, ống hút nước bọt, kim tiêm,… sẽ được loại bỏ, tuyệt đối không tái sử dụng.
Những dụng cụ còn lại bao gồm mũi khoan, trâm gai, tay khoan, protaper chữa tủy,… sau khi sử dụng cần ngâm ngay trong dung dịch Hexanios khoảng 15 phút. Đây là bước quan trọng nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh HIV, viêm gan siêu vi, hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
2. Cọ rửa và xả sạch dụng cụ
Việc cọ rửa giúp loại bỏ chất bẩn và vi sinh vật tồn đọng trên bề mặt dụng cụ. Bước làm sạch có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Làm sạch thủ công: Thực hiện trong môi trường kiểm soát chặt chẽ thông qua các tác động vật lý lên bề mặt thiết bị. Tùy vào từng dụng cụ mà sử dụng thiết bị làm sạch phù hợp. Chẳng hạn như bàn chải sắt cho máy khoan, bàn chải lông mềm, dây cáp dài, chất tẩy rửa,… Sau khi cọ rửa cần xả lại dưới vòi nước sạch.
- Làm sạch tự động: Dùng máy rửa dụng cụ tự động giúp tiết kiệm thời gian hoặc máy siêu âm sử dụng tần số rung phù hợp loại bỏ mảnh vụn còn sót lại trên thiết bị.
3. Lau khô dụng cụ
Trước khi đem đi tiệt trùng, dụng cụ cần phải được sấy khô. Có thể làm khô bằng 2 cách: sử dụng khăn giấy, vải sạch hoặc làm khô bằng máy nén khí, máy bơm hơi nha khoa. Khi dùng khăn giấy cần lau thật kỹ và tránh tình trạng giấy vụn dính vào dụng cụ.
4. Đóng gói dụng cụ
Tất cả các vật liệu, dụng cụ đã được làm sạch và lau khô phải cho vào bao bì chuyên dụng, đóng gói cẩn thận trước khi tiệt trùng. Bước đóng gói rất quan trọng, giúp dụng cụ được tiệt trùng vào bảo quản tốt hơn.
5. Tiệt trùng dụng cụ
Những dụng cụ sau khi đóng gói sẽ được hấp tiệt trùng trong lò hấp AutoClave ở nhiệt độ 1210 độ C – 1340 độ C từ 15 – 30 phút. Lò hấp đã được cài đặt và lập trình sẵn các chế độ, chúng sẽ tự động ngừng khi thời gian tiệt trùng hoàn tất, đảm bảo tất cả các dụng cụ đều tiệt trùng đạt chuẩn.
Thiết bị hấp vô trùng chuẩn B được khuyến khích sử dụng. Thiết bị có 3 pha hút chân không, giúp loại bỏ hoàn toàn không khí trong lồng nồi để hơi nước tiếp cận với dụng cụ, vô trùng được bên trong tay khoan. Đặc biệt, với chức năng sấy khô còn tiết kiệm thời gian và đảm bảo quy trình nghiêm ngặt diễn ra theo đúng quy chuẩn.
6. Lưu trữ dụng cụ trong tủ tia cực tím
Sau khi đã tiệt trùng dụng cụ, đem tất cả bảo quản cẩn thận trong tủ dưới ánh sáng tia cực tím. Bước này giúp dụng cụ luôn ở trạng thái vô trùng và sẵn sàng cho lần sử dụng kế tiếp.
III. Lưu ý quan trọng khi thực hiện vô trùng dụng cụ nha khoa
Để đảm bảo dụng cụ vô trùng đúng chuẩn, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dụng bao gồm lò hấp tiệt trùng, tủ bảo quản vô trùng dưới ánh sáng tia cực tím, máy nén khí không dầu,… nhằm mang lại hiệu quả khử trùng tốt nhất.
- Toàn bộ quy trình khử khuẩn cần thực hiện nghiêm ngặt. Nếu còn đang nghi ngờ một vật dụng có vô khuẩn hay chưa thì nó chưa vô khuẩn và cần tiến hành làm lại ngay từ bước đầu tiên.
- Phòng vô trùng được thiết kế hợp lý nhằm kiểm soát lây nhiễm tối đa bởi vì mầm bệnh luôn có sẵn trong không khí.
- Cần đeo găng tay bảo hộ trong suốt quá trình thực hiện vô trùng. Chỉ được cầm, gắp thiết bị đã khử khuẩn bằng kẹp vô khuẩn.
Ngoài ra, yếu tố vô trùng trong phòng điều trị cũng cần được đảm bảo. Sau mỗi ca điều trị, những bề mặt tiếp xúc như ghế nha, bồn rửa, cần chỉnh đèn, khay đựng dụng cụ, tay khoan, tay xịt hơi nước,… đều phải xịt khử trùng và lau dọn bằng giấy tiệt khuẩn.
Như vậy, một quy trình vô trùng dụng cụ nha khoa đúng chuẩn sẽ đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 để được giải đáp nhanh nhất.