Tật đẩy lưỡi là thói quen xấu rất phổ biến ở trẻ em, chúng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của răng và khớp cắn. Tìm hiểu rõ nguyên nhân và tác hại của tật đẩy lưỡi để có phương pháp điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả.
Mục Lục
I. Tật đẩy lưỡi là gì?
Tật đẩy lưỡi là tình trạng lưỡi đặt sai vị trí và tư thế khi thực hiện thao tác cắn nuốt, nói cười hoặc đang ở trạng thái nghỉ. Thông thường, tư thế lưỡi đúng là lưỡi áp sát vào vòm miệng (khẩu cái cứng) ngay cả khi bạn đang thư giãn, nghĩa là việc này phải nằm trong tiềm thức chứ không phải đạt được khi bạn chú ý đến nó.
Theo nghiên cứu, có đến 85 – 90% người đặt lưỡi ở sàn miệng, giữa răng cửa hàm trên và hàm dưới, đây là tư thế đặt lưỡi sai. Trong đó, tỷ lệ trẻ em mắc tật đẩy lưỡi lên tới 60 – 90%.
II. Nguyên nhân gây nên tật đẩy lưỡi
Nguyên nhân dẫn đến tật đẩy lưỡi có thể kể đến 2 nhóm nguyên nhân chính là đẩy lưỡi tiên phát và đẩy lưỡi thứ phát. Cụ thể:
1. Đẩy lưỡi tiên phát
Xảy ra do rối loạn thần kinh cơ. Ở những trẻ nhỏ mới sinh, lưỡi thường đưa ra phía trước, giữa 2 nướu và môi để thực hiện động tác nuốt thức ăn. Tuy nhiên, khi chức năng nuốt của trẻ bắt đầu hoàn thiện, trong đó việc mọc răng sữa đóng vai trò quan trọng, động tác nuốt sẽ dần được thay thế bằng cách nuốt của người trưởng thành, nghĩa là không cần đẩy lưỡi ra phía trước.
Thế nhưng, một số trẻ không thay đổi được thói quen này do rối loạn chức năng vùng mặt – miệng, việc yêu cầu trẻ đưa đầu lưỡi chạm lên vòm miệng sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được. Từ đó gây nên tật đẩy lưỡi.
2. Đẩy lưỡi thứ phát
Là nguyên nhân xuất phát từ những thói quen không tốt hoặc bệnh lý bên trong cơ thể, có thể kể đến những lý do phổ biến sau:
- Thói quen mút ngón tay, bú bình, bặm môi cũng có khả năng dần hình thành tật đẩy lưỡi ở trẻ.
- Hoặc bẩm sinh trẻ bị dính lưỡi, thắng lưỡi quá ngắn hoặc lưỡi to quá mức.
- Nhiều nghiên cứu còn cho thấy sự liên quan của đẩy lưỡi thứ phát đến những bệnh lý như viêm amidan, viêm nhiễm tắc nghẽn đường mũi, viêm họng khó nuốt,…
- Các yếu tố di truyền như bệnh loạn dưỡng cơ, thần kinh, hàm dưới quá dốc,… Hoặc bị chấn thương tâm lý, stress,… là tác nhân gây nên tật đẩy lưỡi ở cả người lớn lẫn trẻ em.
III. Hậu quả của tật đẩy lưỡi
Ở người khỏe mạnh bình thường, mỗi ngày sẽ thực hiện động tác nuốt khoảng 1000 – 2000 lần. Và mỗi lần nuốt sẽ tạo ra lực đẩy khoảng 1800g. Nếu tư thế đặt lưỡi sai thì lâu dài với lực đẩy này, răng và khớp cắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Răng thưa: Các răng trên cung hàm mọc cách xa nhau, hình thành khe hở lớn giữa các răng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn dẫn đến tình trạng dính giắt thức ăn tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Răng khấp khểnh: Thói quen đẩy lưỡi thường xuyên sẽ gây nên sự phát triển bất thường của răng với biểu hiện là răng mọc chen chúc, khấp khểnh, có chiếc chìa vào bên trong, chiếc lại hướng ra bên ngoài. Răng mọc khấp khểnh khiến việc vệ sinh gặp nhiều khó khăn hơn bình thường.
Răng hô: Là một dạng sai lệch khớp cắn khiến tương quan hàm trên và hàm dưới không khớp với nhau, hàm trên đưa ra ngoài nhiều hơn so với hàm dưới làm gương mặt mất đi vẻ hài hòa, cân đối. Lâu dài, tình trạng này còn ảnh hưởng tiêu cực đến khớp thái dương hàm.
Khớp cắn hở: Là tình trạng mà hàm trên và hàm dưới không thể cắn khít lại với nhau kể cả khi đóng hàm tối đa hoặc hàm đang trong trạng thái nghỉ. Khớp cắn hở có nhiều dạng khác nhau bao gồm cắn hở toàn bộ nhóm răng phía trước, cắn hở một bên răng hàm hoặc cắn hở cả hai bên răng hàm. Trường hợp này, không chỉ ảnh hưởng đến phát âm mà còn gây khó khăn trong ăn nhai.
IV. Cách phát hiện tật đẩy lưỡi sớm
Thực tế, tật đẩy lưỡi rất khó để nhận biết cho đến khi chúng gây ra những hệ quả như răng hô, thưa, lệch lạc, khớp cắn hở,..
Do vậy để biết chính xác bạn cần đến thăm khám tại nha khoa. Tật đẩy lưỡi sẽ được phát hiện thông qua các nghiệm pháp như nghiệm pháp chạm lưỡi, nghiệm pháp nuốt nước,… Thông qua đó đánh giá chức năng nuốt của bệnh nhân cũng như vị trí, tư thế đặt lưỡi có đúng không.
V. Cách loại bỏ thói quen đẩy lưỡi
Về cơ bản có 2 cách phổ biến và hiệu quả nhất giúp loại bỏ thói quen đẩy lưỡi, bao gồm: Sử dụng các khí cụ trong miệng và luyện tập thói quen răng miệng đúng.
1. Sử dụng các khí cụ trong miệng
Là phương pháp điều trị chuyên nghiệp trong nha khoa, cần được chỉ định từ bác sĩ. Các khí cụ phổ biến là:
- Sử dụng thun tách kẽ
Đây là khí cụ tương đối quen thuộc trong niềng răng chỉnh nha. Tuy nhiên ở đây bác sĩ có thể sử dụng thun tách kẽ để sửa tật đẩy lưỡi.
Trước tiên, vòng thun được đặt vào đầu lưỡi để bệnh nhân cảm nhận từ từ. Khi đã quen với sự có mặt của thun tách kẽ, bệnh nhân sẽ được yêu cầu dùng đầu lưỡi đẩy thun chạm vào vòm miệng (vùng khẩu cái ở phía sau răng cửa hàm trên).
Tiếp theo từ từ áp sát vòng thun vào bề mặt niêm mạc rồi đẩy lùi ra phía sau, sau đó đẩy từ từ trở lại ra trước vòm miệng. Thực hiện động tác này nhiều lần nhưng cần chú ý không để vòng thun rơi khỏi đầu lưỡi. Phương pháp này giúp điều chỉnh phản xạ và vị trí cơ lưỡi.
- Sử dụng nút chặn lưỡi đặt vào mặt trong của răng cửa
Những nút chặn này được gắn ở phía trong của răng cửa. Nhiệm vụ của những nút chặn là nhắc nhở vị trí đặt lưỡi. Khi phản xạ đẩy lưỡi chưa được điều chỉnh đúng thì bản thân bệnh nhân sẽ nhanh chóng phát hiện bằng việc cảm nhận được những nút chặn trên bề mặt đầu lưỡi, sau đó tự điều chỉnh lại cho chính xác.
- Sử dụng nút chặn lưỡi dạng viên bi
Trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành gắn cố định nút chặn lưỡi dạng viên bi trong khoang miệng. Viên bi nhựa có thể xoay tròn. Lúc này lưỡi sẽ có phản xạ vờn và chơi với viên bi. Để thực hiện thao tác này, lưỡi bắt buộc phải đặt cao lên vòm họng, từ đó dần thay đổi tật đẩy lưỡi.
Mặc dù hiệu quả nhưng phương pháp này được khuyến cáo chỉ áp dụng cho những trẻ trên 8 tuổi nhằm đảm bảo tính an toàn. Với những trẻ nhỏ tuổi hơn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp khác.
2. Luyện tập thói quen răng miệng đúng
Một số bài tập lưỡi đơn giản nhưng có khả năng thay đổi thói quen đẩy lưỡi ở con, in sâu vào trong tiềm thức và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Lưu ý, bài tập này chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 8 tuổi vì tuổi nhỏ hơn, khả năng nghe hiểu và thực hành sẽ gặp khó khăn.
Trước tiên, hướng dẫn trẻ đặt đầu lưỡi vào vùng lợi ở ngay phía sau răng cửa hàm trên nhưng không để lưỡi chạm vào răng. Sau đó cắn 2 hàm lại với nhau. Tiếp theo, hướng dẫn con tập nuốt nhưng cần điều chỉnh sao cho lưỡi đi lên phía vòm họng và cũng không được chạm vào răng cửa.
Bài tập này cần dành ra ít nhất 5 phút để thực hiện và mỗi ngày duy trì khoảng 2 lần. Tật đẩy lưỡi rất có hại cho chức năng của răng và khớp cắn nên cần kiên trì thay đổi, hãy dành thời gian luyện tập hằng ngày cho đến khi thành thục.
Từ những chia sẻ trên bài viết, có thể thấy tật đẩy lưỡi gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe răng miệng. Do đó bạn cần chú ý quan sát và kiểm soát tốt tật đẩy lưỡi. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.