Có rất nhiều trẻ nhỏ gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ làm các bậc phụ huynh lo lắng không rõ hiện tượng này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe? Hiểu được tâm lý này, bài viết dưới đây sẽ lý giải nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả tình trạng trẻ ngủ nghiến răng.
Mục Lục
I. Nguyên nhân trẻ ngủ nghiến răng
Nghiến răng là hiện tượng mà răng hàm trên và răng hàm dưới của trẻ siết chặt vào nhau và phát ra tiếng kêu ken két. Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ ở trẻ. Tuy nhiên, có một số yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến tình trạng nghiến răng:
1. Tâm lý căng thẳng, lo lắng
Trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng và thay đổi cảm xúc. Đôi khi chỉ vì một lý do đơn giản như lo lắng về việc học ở trường hay chuẩn bị tham gia một cuộc thi sẽ khiến tâm lý trẻ trở nên căng thẳng, bồn chồn. Lúc này, chứng nghiến răng khi ngủ được xem là phản ứng của cơ thể đối phó lại những cảm xúc thất thường.
2. Do trẻ mọc răng
Thời điểm răng trồi lên khỏi nướu khiến nướu bị kích ứng, gây tình trạng sưng đau ở trẻ. Để giảm cảm giác khó chịu và thoải mái hơn khi mọc răng, nhiều trẻ sẽ nghiến răng khi ngủ.
3. Sai lệch khớp cắn
Khi hàm trên và hàm dưới không khớp với nhau dễ dẫn đến việc khó khép 2 hàm. Lúc này theo phản xạ, hai hàm răng sẽ có xu hướng cọ xát vào nhau tạo ra tiếng kêu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng sai lệch khớp cắn và nghiến răng. Theo đó, có khoảng 12,75% trẻ em mắc đồng thời hai vấn đề này.
4. Trẻ bị nhiễm giun kim
Loại ký sinh trùng này khi ký sinh trong cơ thể người sẽ tiết ra một loại độc tố làm cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, từ đó hình thành thói quen nghiến răng.
5. Phản ứng thuốc
Trường hợp trẻ bị bệnh phải sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm,… thì có khả năng sinh ra tác dụng phụ là nghiến răng.
II. Dấu hiệu trẻ nghiến răng khi ngủ
Thông thường, tự bản thân trẻ sẽ không thể nhận biết được mình đang nghiến răng, do đó bố mẹ nên thường xuyên quan sát con. Một vài dấu hiệu nhận biết tình trạng nghiến răng ở trẻ:
- Khi ngủ nếu trẻ nghiến răng sẽ phát ra âm thanh ken két.
- Đau hàm khi nhai và việc ăn uống khó khăn khiến trẻ lười ăn, bỏ bữa.
- Răng của trẻ bị mòn, thậm chí là sứt mẻ.
- Thỉnh thoảng có thể trẻ sẽ kêu đau ở vùng trán, tai mà không rõ nguyên nhân.
III. Chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ kéo dài trong bao lâu?
Theo nghiên cứu, nghiến răng xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi thường có xu hướng biến mất khi chúng lớn lên hoặc đã mọc đầy đủ răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp trẻ không thể tự ý thay đổi mà cần đến sự can thiệp của bố mẹ hoặc bác sĩ nha khoa.
Lưu ý, mặc dù nghiến răng ở trẻ là tình trạng phổ biến nhưng không vì thế mà bố mẹ chủ quan. Việc kéo dài không điều trị sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sự phát triển khỏe mạnh của con.
Nghiến răng làm tăng khả năng gây ra hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm, gián đoạn giấc ngủ khiến trẻ ngủ không đủ giấc.
Đồng thời, răng của trẻ do phải chịu áp lực liên tục từ việc nghiến răng nên men răng mòn dần, trở nên nhạy cảm với nhiệt độ và các vấn đề về sâu răng cũng tồi tệ hơn.
IV. Điều trị tình trạng trẻ nghiến răng khi ngủ
Để giúp trẻ chữa khỏi chứng nghiến răng, việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là điều cần thiết. Vì tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Nếu liên quan đến yếu tố căng thẳng, lo lắng bố mẹ hãy học cách lắng nghe và chia sẻ với con. Không nên tạo quá nhiều áp lực cho con nhỏ. Thay vào đó hãy giúp trẻ đi vào giấc ngủ ngon và sâu hơn bằng cách kể chuyện, tâm sự.
Trường hợp xuất phát từ yếu tố mọc răng làm đau nướu bố mẹ có thể thử biện pháp chườm lạnh lên vùng má để giảm đau. Hoặc cho trẻ ngậm núm vú giả, vòng mọc răng làm giảm cảm giác khó chịu.
Điều này sẽ giúp trẻ không còn thói quen nghiến răng khi ngủ. Lưu ý, không nên cho trẻ ngậm ti giả trong thời gian dài vì có thể dẫn đến những vấn đề về răng miệng như hô vẩu, khớp cắn hở,…
Đối với trường hợp nghiến răng do khó khăn trong việc đóng khép miệng, bố mẹ nên đưa con đến gặp nha sĩ để được thăm khám và có những chỉ định phù hợp.
Một trong những can thiệp nha khoa phổ biến nhất là cho con sử dụng máng chống nghiến nhằm bảo vệ bề mặt răng khỏi sự mài mòn và hạn chế tình trạng nghiến răng. Loại máng này thường được làm bằng vật liệu mềm trong suốt hoặc acrylic cứng, chế tác dựa trên dấu hàm của từng trẻ.
Bên cạnh đó, trường hợp trẻ nghiến răng làm mặt nhai của răng mòn nhiều, nha sĩ sẽ chỉ định trám composite để phục hồi lại hình thể răng, khôi phục sự tương quan giữa hai hàm và khớp cắn với nhau.
V. Cách ngăn ngừa tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ
Chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ có thể ngăn ngừa nếu xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh, khoa học.
1. Duy trì chế độ ăn cân bằng
Canxi và magie là những chất có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động của hệ thần kinh. Nếu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ không được bổ sung đầy đủ 2 dưỡng chất này có khả năng gây ra hiện tượng nghiến răng.
Do đó, trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của con, bố mẹ nên bổ sung canxi, magie có trong thịt, cá, trứng, sữa, rau chân vịt hoặc các loại rau xanh đậm màu.
Trước khi đi ngủ, hãy cho con uống nước ấm hoặc sữa ấm, tránh thức ăn cứng, nhiều đường. Sau khi uống sữa, hãy để con súc miệng lại bằng nước ấm nhằm ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh lý răng miệng.
2. Tạo thói quen tập thể dục
Tập thể dục, yoga hoặc ngồi thiền là cách giúp giảm căng thẳng. Khi cơ thể thả lỏng, không còn căng thẳng thì thói quen nghiến răng cũng sẽ suy giảm.
Lưu ý, việc luyện tập chỉ mang lại hiệu quả khi con cảm thấy hứng thú và tự giác thực hiện. Trường hợp bố mẹ bắt ép vô tình lại tạo áp lực, căng thẳng đến con.
Để hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao hằng ngày của bé, bố mẹ có thể hiện cùng con, bắt đầu bằng những bài tập đơn giản, lựa chọn không gian phù hợp (công viên, sân tập),…
Hạn chế con thức khuya, sử dụng các thiết bị điện tử. Vì não bộ của con cần một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi, tái tạo các tế bào thần kinh. Khi thường xuyên ngủ không đủ giấc, cơ thể trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt và căng thẳng. Từ đó dễ dẫn đến hiện tượng nghiến răng.
Nhằm giúp con đi vào giấc ngủ ngon và sâu hơn, bố mẹ có thể hát ru, kể chuyện, xoa đầu, lưng hoặc chân tay nhẹ nhàng cho con. Đặc biệt, hãy đảm bảo phòng ngủ của trẻ thật tối và yên tĩnh.
3. Cho trẻ sử dụng dụng máng chống nghiến
Máng chống nghiến là thiết bị nha khoa có tác dụng ngăn không cho hai hàm răng cọ xát vào nhau. Từ đó giúp giảm áp lực lên khớp thái dương hàm, bảo vệ răng khỏi tình trạng sứt mẻ, nứt gãy. Bố mẹ có thể đeo cho trẻ trước khi đi ngủ và gỡ ra vào sáng hôm sau.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng máng chống nghiến, cần đưa con đến gặp nha sĩ để được thăm khám. Tại đây, nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu hàm và thiết kế máng chống nghiến phù hợp với cung hàm của con.
Bố mẹ không nên tự ý mua máng chống nghiến bên ngoài vì có khả năng kích thước sản phẩm không phù hợp, nếu con mang lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ sai lệch khớp cắn, biến dạng hàm.
Lưu ý, để máng chống nghiến luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn khi sử dụng, trước và sau khi con đeo máng bố mẹ cần rửa bằng nước sạch, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt hoặc ánh nắng mặt trời.
Hiểu được nguyên nhân vì sao trẻ ngủ nghiến răng sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, bố mẹ hãy thường xuyên quan sát, lắng nghe và tâm sự cùng con. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm răng miệng trẻ em:
Xem thêm vấn đề răng miệng thường gặp: