Nướu răng bị sưng, tấy đỏ là những dấu hiệu của bệnh viêm lợi. Tình trạng nướu sưng viêm này đồng thời cũng là giai đoạn đầu của viêm nha chu, một trong những bệnh lý răng miệng hàng đầu gây mất răng. Vậy nguyên nhân viêm lợi là gì và cách điều trị như thế nào?
Mục Lục
I. Nguyên nhân gây viêm lợi
Viêm lợi là một trong những bệnh lý răng miệng tương đối phổ biến mà hầu hết ai cũng có thể mắc phải. Nguyên nhân gây viêm lợi thường là do mảng bám cao răng gây ra.
Cao răng là sự lắng đọng của vi khuẩn, vụn thức ăn, nước bọt, canxi và muối phosphate. Việc chải răng không đúng cách sẽ khiến mảng bám tích tụ ngày càng nhiều và vôi hóa thành cao răng. Theo thời gian, cao răng phát triển, đi sâu vào đường viền nướu, gây hiện tượng kích ứng sưng viêm.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lợi gồm:
- Sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh.
- Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc thường xuyên ăn thực phẩm cay nóng.
- Hệ miễn dịch bị suy yếu ở người mắc bệnh tiểu đường, ung thư, HIV/AIDS.
- Tác dụng phụ của việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin.
- Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng là nguyên nhân gây viêm lợi.
II. Triệu chứng viêm lợi
Nướu khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt, chắc mịn, không sưng, không chảy máu và ôm khít lấy răng.
Ngược lại, với trường hợp lợi bị sưng viêm thường sẽ có những triệu chứng như:
- Lợi có màu đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm
- Phần mô lợi sưng tấy, phì đại
- Có nhiều mảng bám, cao răng
- Dễ chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu
- Đôi khi tổ chức chân răng còn trở nên lỏng lẻo
Nướu ôm sát vào chân răng, có nhiệm vụ bảo vệ các mô nhạy cảm bên dưới, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập gây hại. Trường hợp nướu bị viêm nhưng không sớm điều trị sẽ khiến bệnh tình chuyển biến nặng hơn làm tăng nguy cơ mất răng, việc chữa trị lúc này sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí hơn.
Không dừng lại ở đó, viêm nướu còn là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như tiểu đường, tim mạch, nhiễm trùng huyết, tăng nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra nhẹ cân, thiếu ký.
Vì vậy, ngay khi phát hiện những triệu chứng của bệnh viêm lợi, bạn nên đến nha khoa để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị.
III. Điều trị viêm lợi
1. Điều trị viêm lợi tại nha khoa
Tại nha khoa, việc chẩn đoán viêm nướu răng dựa trên quá trình thăm khám tổng quát tình trạng răng miệng cũng như tiến hành làm các thủ thuật nha khoa thông thường. Bên cạnh kiểm tra những triệu chứng sưng viêm, bác sĩ còn sử dụng một công cụ nhỏ tương tự như đầu dò để đo khoảng trống giữa vùng răng và mô nướu.
Nếu kết quả đo cho thấy khoảng trống này lớn hơn so với bình thường thì đây có thể là dấu hiệu của viêm nướu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân chụp X-quang để xem xét, đánh giá mô xương có tổn thương hay không.
Sau quá trình thăm khám, nếu nhận thấy viêm lợi do mảng bám, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng. Thủ thuật này diễn ra tương đối nhẹ nhàng và nhanh chóng. Mảng bám, vôi răng sẽ được làm sạch bằng độ rung sóng siêu âm từ đầu dụng cụ cạo vôi. Tùy thuộc vào cao răng nhiều hay ít mà số lần cạo vôi có thể là 1 hoặc 2 lần.
Đồng thời, bác sĩ cũng kê thêm một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm nhằm giảm tình trạng sưng viêm, tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa viêm nướu tiến triển thành viêm nha chu.
2. Điều trị viêm lợi tại nhà
Bên cạnh việc điều trị viêm lợi tại nha khoa, người bệnh có thể áp dụng thêm một số phương pháp điều trị tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.
a. Sử dụng nước muối
Các nghiên cứu đã chỉ ra, muối biển có đặc tính kháng khuẩn tốt, giúp bảo vệ nướu khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Thêm vào đó, florua tự nhiên có trong muối còn giúp cân bằng pH khoang miệng, ngăn ngừa mất khoáng chất men răng, cải thiện tình trạng hôi miệng.
Pha muối ăn theo tỉ lệ 9 gram muối tương ứng với 1 lít nước lọc rồi đem súc miệng hằng ngày. Hoặc nếu không đo lường được tỷ lệ phù hợp, bạn có thể mua nước mua sinh lý tại hiệu thuốc, cửa hàng.
b. Sử dụng mật ong
Từ xưa, mật ong đã được sử dụng như một vị thuốc để chữa bệnh. Và với tình trạng viêm lợi, nhất là ở trẻ nhỏ, việc dùng mật ong hỗ trợ điều trị rất an toàn và hiệu quả, vì trong mật ong chứa thành phần kháng khuẩn, giảm viêm tự nhiên tốt.
Phương pháp này tương đối đơn giản, chỉ cần bôi trực tiếp mật ong lên vị trí lợi bị sưng viêm, để trong khoảng 10 – 15 phút rồi súc miệng lại với nước. Thực hiện từ 3 – 4 lần trong ngày sẽ thấy tình trạng viêm lợi cải thiện đáng kể.
Hoặc dùng mật ong pha với chanh và nước ấm, đem súc miệng sau khi đã chải răng sạch sẽ. Thực hiện liên tục trong 3 – 5 ngày giúp giảm sưng viêm rõ rệt.
c. Sử dụng nha đam
Nha đam hay còn được gọi là lô hội, nguyên liệu có chứa hoạt chất kháng sinh mạnh mẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng sưng đau, viêm nhiễm. Đồng thời còn có công dụng làm dịu và hỗ trợ vết thương nhanh lành hơn.
Chuẩn bị một lá nha đam tươi đem rửa sạch, bỏ đi phần vỏ xanh bên ngoài chỉ lấy phần thịt gel bên trong và cắt thành từng lát mỏng rồi đắp trực tiếp lên vị trí sưng đau.
Giữ khoảng 2 – 3 phút tiếp tục lấy miếng gel khác đắp vào, thực hiện liên tục trong 15 – 20 phút để tinh chất nha đam thẩm thấu vào niêm mạc lợi. Cuối cùng súc miệng lại với nước.
Phương pháp này duy trì thực hiện trong khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy tình trạng sưng lợi cải thiện đáng kể.
d. Sử dụng lá trầu không
Tinh dầu trong lá trầu không có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn đường miệng. Do đó mà bên cạnh viêm lợi, lá trầu không còn được sử dụng rất phổ biến trong việc hỗ trợ điều trị những bệnh lý răng miệng khác.
Với lá trầu không, bạn có thể đem giã nát rồi đắp trực tiếp lên vị trí lợi bị viêm. Trong khoảng 30 phút, không nên súc miệng hay uống nước để tinh chất từ lá trầu không ngấm vào lợi, cải thiện tình trạng viêm.
Ngoài ra, phương pháp này còn có thể thực hiện theo cách khác là giã nát lá trầu không, cho nước vào và đun sôi trong 30 phút. Tiếp theo, gạn lấy nước, bảo quản trong tủ lạnh, mỗi ngày đem súc miệng 2 lần vào buổi sáng và tối.
e. Sử dụng dầu đinh hương
Không chỉ có công dụng trong việc giảm căng thẳng, tinh dầu đinh hương còn hỗ trợ điều trị viêm lợi hiệu quả nhờ đặc tính kháng khuẩn cao.
Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần dùng bông gòn thấm một ít tinh dầu đinh hương bôi lên phần nướu bị viêm. Ban đầu có cảm giác hơi cay và nóng rát nhẹ nhưng rất nhanh sẽ trở nên dễ chịu vì trong tinh dầu đinh hương cũng chứa chất gây tê tự nhiên rất hiệu quả.
f. Sử dụng tinh dầu tràm trà
Tương tự như đinh hương, tinh dầu tràm trà cũng chứa thành phần kháng khuẩn tự nhiên rất cao giúp ngăn ngừa vi khuẩn, giữ cho nướu khỏe mạnh.
Nhỏ 2 – 3 giọt tinh dầu tràm trà vào trong ly nước ấm rồi đem súc miệng hằng ngày. Hoặc dùng bông gòn thấm tinh dầu và bôi lên nướu, sau đó súc miệng lại với nước lọc. Hãy thật cẩn thận để tránh tình trạng nuốt phải dầu.
Ngoài ra, tinh dầu lá bạc hà, cỏ xạ hương hay tinh dầu hoa oải hương cũng có khả năng giảm tình trạng sưng viêm nướu rất tốt.
g. Dùng tỏi trị viêm lợi
Tỏi có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh và điều trị viêm nướu là một trong số đó. Lấy một tép tỏi lột bỏ vỏ rồi nghiền nát, sau đó thêm một chút muối tinh và bôi hỗn hợp này vào phần mô nướu bị viêm. Giữ khoảng 10 phút rồi súc miệng lại bằng nước sạch.
h. Dùng túi trà
Lượng axit tannic trong túi trà có đặc tính kháng viêm giúp giảm tình trạng sưng nướu hiệu quả. Túi trà sau khi ngâm trong nước sôi cho nở rồi đem để nguội. Tiếp theo, đặt túi trà này vào chỗ bị viêm khoảng 5 – 10 phút. Thực hiện nhiều lần trong ngày sẽ thấy tình trạng cải thiện đáng kể.
Lưu ý, những phương pháp điều trị viêm nướu tại nhà chỉ có công dụng hỗ trợ, không thể điều trị triệt để tình trạng viêm lợi. Vì vậy, bạn vẫn cần đến nha khoa để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp khắc phục phù hợp.
IV. Phòng ngừa viêm lợi
Viêm lợi mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc xây dựng chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng hợp lý, khoa học. Dưới đây là một số lưu ý giúp phòng tránh viêm lợi hiệu quả.
1. Ăn uống lành mạnh
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin và khoáng chất. Đồng thời hạn chế những loại thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và có tính axit.
Đảm bảo nạp vào cơ thể ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Điều này giúp tăng khả năng tiết nước bọt và củng cố hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể.
Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích như rượu, bia. Và cũng nên hạn chế những thực phẩm cay nóng.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa nồng độ fluor phù hợp.
Thao tác chải răng nhẹ nhàng, chải theo chiều dọc của răng, tránh chải mạnh tay theo chiều ngang làm tụt nướu, thậm chí là mòn cổ chân răng.
Dùng chỉ nha khoa làm sạch mảng bám và vụn thức ăn thừa trong kẽ răng. Tuyệt đối không dùng tăm tre nhọn vì làm tăng nguy cơ chảy máu nướu răng.
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chuyên dụng giúp loại bỏ vi khuẩn, giữ cho khoang miệng thơm tho, sạch sẽ.
3. Thăm khám nha khoa định kỳ
Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần giúp kiểm soát tốt tình trạng răng miệng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.
Trường hợp nếu thấy răng miệng xuất hiện những triệu chứng bất thường, nên nhanh chóng đến nha khoa để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám. Tránh trường hợp tự ý xử lý tại nhà khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Như vậy, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm lợi đã được chia sẻ chi tiết trên bài viết. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm nha chu viêm nướu: