Viêm nướu là một dạng bệnh lý rất phổ biến, gây đau và sưng viêm vùng nướu quanh chân răng. Nhận thức rõ những dấu hiệu cũng như nguyên nhân của bệnh viêm nướu là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe răng miệng.
Mục Lục
- I. Viêm nướu là gì?
- II. Nguyên nhân bị viêm nướu
- III. Triệu chứng bệnh viêm nướu
- IV. Đối tượng nguy cơ bị viêm nướu
- V. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu
- VI. Biến chứng bệnh viêm nướu
- VII. Chẩn đoán bệnh viêm nướu
- VIII. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
- IX. Phương pháp điều trị viêm nướu
- X. Phòng ngừa bệnh viêm nướu
I. Viêm nướu là gì?
Viêm nướu (viêm lợi) là bệnh lý răng miệng rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào. Biểu hiện của bệnh nướu răng là tình trạng sưng viêm ở lợi, chúng không quá nguy hiểm, dễ dàng điều trị dứt điểm.
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng, phức tạp thậm chí là xảy ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được can thiệp điều trị sớm. Vì vậy mà người bệnh không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường của cơ thể.
II. Nguyên nhân bị viêm nướu
Sự tích tụ mảng bám trên răng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm nướu răng. Thông thường sau khi ăn khoảng 15 phút, một lớp màng vô khuẩn sẽ hình thành trên bề mặt răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có chỗ bám. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn tích tụ ngày càng dày lên và hình thành mảng bám.
Sau một thời gian, mảng bám sẽ trở thành cao răng, bám chắc trên bề mặt răng và dưới lợi do quá trình vôi hóa, lắng đọng của hợp chất muối vô cơ trong nước bọt, thức ăn hằng ngày. Vi khuẩn trú ẩn, sinh sôi ở cao răng gây kích ứng nướu và dẫn đến hiện tượng sưng viêm.
Ngoài ra, bệnh viêm nướu còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:
- Sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ trong giai đoạn mang thai, tuổi dậy thì, kinh nguyệt hoặc mãn kinh.
- Hút thuốc lá và thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.
- Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin.
- Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính làm hệ miễn dịch bị suy yếu như ung thư, đái tháo đường,…
- Cơ thể không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là sự thiếu hụt các thành phần như vitamin B12, kẽm, sắt, folate,…
III. Triệu chứng bệnh viêm nướu
Nướu khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt hoặc sắc tố melanin (xuất hiện ở nhóm dân tộc có sắc tố cao), phần mô nướu chắc, phẳng, đỉnh gai nướu có mũi nhọn hoặc hình chóp, không có biểu hiện đau hay chảy máu. Ngược lại, ở những trường hợp nướu bị viêm sẽ có biểu hiện sau:
- Nướu răng sưng và ửng đỏ
- Nướu chuyển từ màu hồng sang sẫm đỏ hoặc nâu
- Sờ vào có cảm giác nướu mềm và xốp
- Đau và chảy máu khi gặp kích thích, đặc biệt là lúc chải răng, dùng chỉ nha khoa hoặc ăn nhai
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu
- Tụt nướu chân răng
- Đôi khi một vài trường hợp còn xuất hiện mủ
IV. Đối tượng nguy cơ bị viêm nướu
Viêm nướu có thể xảy ra ở hầu hết mọi đối tượng, tuy nhiên phụ nữ thường chiếm tỷ lệ cao hơn, nhất là phụ nữ trong giai đoạn mang thai, chiến đến 50%.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm nướu cao hơn do sức đề kháng suy giảm.
V. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu có thể kể đến như:
- Người không có thói quen chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa
- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia
- Chế độ dinh dưỡng kém, không bổ sung đầy đủ vitamin, chất xơ, kẽm, sắt,…
- Người mắc bệnh tiểu đường, ung thư, HIV, nhiễm virus
- Người lớn tuổi, sức đề kháng yếu
VI. Biến chứng bệnh viêm nướu
Bệnh viêm nướu nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lan rộng, xâm lấn vào cấu trúc nha chu, làm tổn thương các mô liên kết nâng đỡ răng, suy giảm xương ổ răng, từ đó khiến răng lung lay, gãy rụng.
Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu, viêm nướu mãn tính còn liên quan đến một số bệnh lý toàn thân như hô hấp, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, tim mạch, đột quỵ,… Vi khuẩn gây bệnh viêm nướu có thể xâm nhập vào máu, ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác trên cơ thể.
Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, viêm nướu nếu không được điều trị kịp thời còn làm tăng nguy cơ sinh non, con sinh ra nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng.
VII. Chẩn đoán bệnh viêm nướu
Chẩn đoán viêm nướu thường dựa trên những dấu hiệu lâm sàng của bệnh đã được đề cập ở phần đầu, bao gồm các biểu hiện như nướu sưng đỏ, có mảng bám, chảy máu chân răng.
Trong một vài trường hợp bệnh nướu răng đã chuyển biến nghiêm trọng và phức tạp hơn, bác sĩ có thể sử dụng đầu dò để đo lường các túi nha chu phát triển như thế nào.
Bên cạnh đó, nếu các triệu chứng của viêm nướu biểu hiện không quá rõ ràng, có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng quát.
VIII. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh viêm nướu, người bệnh cần sắp xếp thời gian sớm đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tránh chủ quan, thờ ơ làm bệnh chuyển biến nặng hơn gây biến chứng mất răng.
Ngoài ra, viêm nướu đôi khi không chỉ là bệnh lý răng miệng mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe toàn thân có vấn đề. Do đó mà bạn không nên trì hoãn việc điều trị.
IX. Phương pháp điều trị viêm nướu
1. Điều trị tại nha khoa
Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân chính gây viêm nướu răng là cao răng – mảng bám đã bị vôi hóa bám rất cứng chắc vào bề mặt răng và dưới nướu nên không thể loại bỏ bằng việc chải răng thông thường mà phải cần đến những thiết bị chuyên dụng tại nha khoa.
Do đó, nếu muốn điều trị triệt để tình trạng viêm nướu răng, người bệnh cần đến nha khoa, tại đây bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng răng và tiến hành loại bỏ tất cả các dấu vết của mảng bám cao răng.
Thủ thuật cạo vôi răng rất đơn giản, bác sĩ sử dụng công nghệ cạo vôi răng bằng sóng siêu âm hiện đại với đầu máy nhỏ linh hoạt cùng độ rung vừa đủ giúp phá vỡ các liên kết của mảng bám, làm sạch cao răng ở những vị trí khó một cách nhanh chóng mà không gây ê buốt, khó chịu, không làm tổn thương đến bề mặt răng hay mô nướu.
Trong trường hợp nướu răng sưng và có mủ, bác sĩ vẫn sẽ cạo vôi răng trước, sau đó làm sạch túi mủ chứa vi khuẩn dưới nướu răng và kê một số loại thuốc kháng sinh, chống viêm cho bệnh nhân.
Nếu bệnh viêm nướu đã chuyển biến sang viêm nha chu, làm tụt lợi, lộ chân răng, phẫu thuật ghép mô mềm sẽ được chỉ định nhằm hạn chế tình trạng tụt lợi, phục hồi tổ chức xung quanh răng và cố định những răng lung lay nhẹ.
2. Điều trị tại nhà
Để hỗ trợ việc điều trị bệnh viêm nướu thuận lợi, bạn có thể áp dụng một vài phương pháp tại nhà sau:
- Súc miệng bằng chanh: Chanh có đặc tính kháng viêm cao và nhiều vitamin C nên ngoài việc uống bạn có thể dùng nước cốt chanh kết hợp với muối để súc miệng hằng ngày.
- Dùng túi trà: Túi trà sau khi hãm lấy nước, bạn để nguội rồi đặt lên phần nướu bị sưng viêm trong khoảng 5 – 7 phút. Hàm lượng axit tannic trong trà có đặc tính giảm viêm rất tốt.
- Dùng mật ong: Sau khi vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy một ít mật ong nguyên chất bôi trực tiếp vào vùng nướu bị viêm.
Lưu ý, những phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thể điều trị dứt điểm. Do đó mà việc thăm khám tại nha khoa vẫn là điều quan trọng nhất.
X. Phòng ngừa bệnh viêm nướu
Bệnh viêm nướu có thể phòng ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng khoa học và ăn uống hợp lý:
- Hãy chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có chứa nồng độ fluor phù hợp. Mỗi lần chải nên dành tối thiểu 2 phút đảm bảo các mặt răng đều được làm sạch.
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch mảng bám và vụn thức ăn thừa trong kẽ răng và đường viền nướu. Tránh dùng tăm tre nhọn làm tổn thương nướu, thưa kẽ răng.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chuyên dụng ngăn không cho vi khuẩn phát triển.
- Cân bằng dinh dưỡng. Thực đơn ăn uống hằng ngày nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, D, canxi, kẽm, sắt, magie,…
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột, thuốc lá, rượu bia. Vì đây đều là những tác nhân khiến cao răng hình thành nhanh hơn.
- Thăm khám nha khoa và cạo vôi răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần kiểm soát sức khỏe răng miệng, kịp thời điều trị những bệnh lý có thể xảy ra.
Hy vọng những chia sẻ trên bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm nướu răng, từ đó có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.