Súc miệng bằng nước muối giúp giảm viêm do đau họng, loét miệng, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, hạn chế các bệnh về răng miệng. Vậy nên súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng?
Mục Lục
I. Súc miệng bằng nước muối có tác dụng gì?
Thành phần chính trong muối là natri clorua (NaCl), khoáng chất có đặc tính sát khuẩn và khử trùng tự nhiên rất tốt. Vì vậy mà khi súc miệng bằng nước muối mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể:
Dịu cơn đau họng: Mặc dù các cơn đau họng do cảm cúm, dị ứng có thể tốt hơn theo thời gian nhưng việc súc miệng bằng nước muối sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu. Dung dịch nước muối có khả năng loại bỏ virus, vi khuẩn gây đau họng nhờ vào việc thay đổi độ pH trong khoang miệng.
Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Không chỉ điều trị các triệu chứng đau họng mà súc miệng bằng nước muối còn có thể giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do cúm hoặc cảm lạnh gây ra. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ đã theo dõi gần 400 người trong mùa cúm, những người súc miệng bằng nước muối ba lần một ngày ít bị cảm cúm hơn.
Ngừa sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu: Súc miệng bằng nước muối có hiệu quả trong việc giảm sự tích tụ của mảng bám răng. Đồng thời, việc thay đổi môi trường axit thành môi trường kiềm còn giúp giảm số lượng vi khuẩn gây hại trong khoang miệng, ngăn không cho chúng phát triển, từ đó hạn chế tình trạng sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu.
Cải thiện vết loét miệng: Súc miệng bằng nước muối có thể làm dịu cơn đau do loét miệng, thậm chí còn hỗ trợ vết thương lành nhanh hơn.
II. Nên súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng?
Rất nhiều người thắc mắc, không rõ nên súc miệng bằng nước muối trước hay sau khi đánh răng. Theo lời khuyên từ các chuyên gia nha khoa, việc súc miệng bằng nước muối nên được thực hiện sau khi đã đánh răng.
Tuy nhiên, trình tự này có thể thay đổi theo thời điểm cũng như tình trạng cụ thể của người bệnh. Chẳng hạn như trường hợp bạn bị đau họng, cảm cúm, thì buổi sáng sau khi thức dậy có thể súc miệng bằng nước muối trước để giảm cơn đau rát, khó chịu trong họng rồi tiến hành đánh răng.
III. Hướng dẫn súc miệng bằng nước muối đúng cách
Sử dụng đúng cách sẽ giúp nước muối phát huy tối đa tác dụng. Dưới đây là các bước súc miệng bằng nước muối từ chuyên gia:
- Nhấp một ngụm nước muối vừa đủ để súc miệng thoải mái.
- Ngửa đầu ra sau, hơi nâng cằm lên sao cho nước muối chạm sâu vào cổ họng.
- Súc nước qua lại quanh răng và nướu trong 15 – 30 giây rồi nhổ ra.
- Súc miệng lại với nước sạch sao cho loại bỏ hết lượng nước muối còn sót trong miệng.
Bạn có thể lặp lại quá trình này nhiều lần trong ngày để giảm đau họng, dịu vết loét miệng cũng như bảo vệ sức khỏe răng miệng.
IV. Lưu ý khi súc miệng bằng nước muối
Pha dung dịch nước muối theo tỷ lệ 1 lít nước tương ứng với 9 gram muối để có nồng độ 0,9%. Tuyệt đối không gia tăng nồng độ muối. Mặc dù nồng độ muối cao hơn sẽ nâng cao khả năng diệt khuẩn nhưng có thể sẽ khiến vị giác bị ảnh hưởng và làm tổn thương các niêm mạc miệng.
Súc miệng bằng nước muối thôi là chưa đủ, bạn cần kết hợp với đầy đủ các bước chải răng, dùng chỉ nha khoa,… mới đảm bảo răng miệng khỏe mạnh.
Nước muối tốt nhất là khi ở nhiệt độ thường hoặc hơi ấm. Tránh dùng nước muối quá nóng hoặc quá lạnh làm buốt, hỏng men răng.
V. Một số câu hỏi thường gặp khi súc miệng bằng nước muối:
1. Nên dùng loại nước muối nào?
Để đảm bảo hiệu quả bạn nên mua dung dịch nước muối sinh lý nồng độ 0,9% tại các hiệu thuốc. Những sản phẩm này đã được kiểm định nên an toàn khi sử dụng.
2. Ngậm nước muối trong bao lâu?
Khi súc miệng bằng nước muối, chỉ nên ngậm trong khoảng 15 – 30 giây. Ngậm nước muối quá lâu sẽ tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc bên trong họng, má, bề mặt lưỡi, ảnh hưởng tới khẩu vị.
3. Súc miệng bằng nước muối rồi có cần đánh răng?
Nước muối chỉ có tác dụng loại bỏ vi khuẩn và hạn chế phần nào sự tích tụ của mảng bám chứ không hoàn toàn làm sạch được chúng, đặc biệt là mảng bám và vụn thức ăn thừa mắc kẹt trong kẽ răng, đường viền nướu. Vì vậy súc miệng bằng nước muối thôi là chưa đủ, cần kết hợp đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
4. Súc miệng bằng nước muối có làm giảm đau họng?
Nước muối có đặc tính sát khuẩn, kháng viêm nên khi súc miệng bằng dung dịch này sẽ làm dịu cơn đau họng hiệu quả.
5. Sau khi súc miệng bằng nước muối có cần súc lại bằng nước lọc?
Sau khi súc miệng bằng nước muối, bạn cần làm sạch miệng lại với nước lọc để rửa hết lượng muối thừa cũng như vụn thức ăn, mảng bám ra ngoài.
6. Có nên súc miệng bằng nước muối quá nóng?
Nước muối quá nóng có thể làm tổn thương men răng và niêm mạc miệng. Tốt nhất là bạn nên súc miệng bằng nước muối ở nhiệt độ thường hoặc hơi ấm để tốt cho răng, nướu và họng.
7. Nên súc miệng bằng nước muối ngày mấy lần?
Súc miệng với nước muối ít nhất 2 lần/ngày giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn. Nếu đang bị viêm họng, nhiệt miệng, viêm nướu thì tần suất súc miệng bằng nước muối có thể lên đến 3 – 4 lần/ngày.
8. Nhổ răng xong có được súc miệng bằng nước muối?
Sau khi vừa mới nhổ răng xong không nên súc miệng bằng nước muối. Vì đặc tính sát khuẩn trong nước muối có thể đồng thời rửa trôi các tế bào lành thương vừa hình thành khiến vết thương lâu lành hơn. Để an toàn, hiệu quả bạn nên để 7 – 10 ngày sau khi nhổ răng rồi mới dùng nước muối súc miệng.
Súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng đã được giải đáp chi tiết trên bài viết. Nếu còn thắc mắc nào khác về sức khỏe răng miệng vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.