Răng bé bị mòn không chỉ làm tăng nguy cơ sâu răng mà còn ảnh hưởng đến quá trình ăn uống hằng ngày. Vậy răng bé bị mòn là do đâu và cách khắc phục, phòng ngừa như thế nào?
Mục Lục
I. Dấu hiệu nhận biết tình trạng răng bé bị mòn
Tình trạng mòn răng ở trẻ tương đối phổ biến và quá trình này diễn ra trong thời gian dài. Ở giai đoạn ban đầu, răng sữa bị mòn rất khó phát hiện, chỉ khi lớp men răng sữa bị mòn nhiều, hình dáng và màu sắc răng có sự thay đổi mới nhận thấy.
Đây cũng là lý do mà các chuyên gia nha khoa luôn khuyến khích bố mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ thăm khám định kỳ ngay từ khi vừa xuất hiện những chiếc răng sữa đầu tiên.
Một số dấu hiệu phổ biến cho thấy răng sữa của bé bị mài mòn:
- Xỉn màu ở bề mặt răng: Ngay tại vị trí những chiếc răng sữa bị mài mòn sẽ xuất hiện một dải màu trắng khác biệt với màu răng. Đến khi tình trạng mòn răng tiến triển nặng hơn, dải màu trắng này sẽ chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
- Răng nhạy cảm: Lớp men răng bị mòn sẽ khiến răng trở nên nhạy cảm hơn, trẻ thường xuyên có cảm giác đau nhức, ê buốt khi ăn nhai, nhất là thức ăn hoặc đồ uống nóng lạnh.
- Hơi thở có mùi: Trong một vài trường hợp răng trẻ bị mòn đang tiến triển sang giai đoạn sâu răng, hơi thở sẽ có mùi hôi khó chịu. Và đôi khi phần mô nướu quanh chiếc răng bị mòn cũng có dấu hiệu sưng đỏ.
II. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé bị mòn răng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mòn răng sữa ở trẻ, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến những nguyên nhân sau:
1. Lớp men và ngà răng sữa mỏng
Mặc dù về cấu tạo răng sữa không có sự khác biệt so với răng vĩnh viễn, tuy nhiên lớp men răng và ngà răng sữa thường mỏng nên rất dễ bị mài mòn bởi sự tấn công của vi khuẩn và axit có trong thức ăn hằng ngày.
2. Vệ sinh răng miệng kém
Lười chải răng hoặc chải răng qua loa khiến vụn thức ăn và mảng bám trên răng không được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển . Vi khuẩn sử dụng đường từ thức ăn và đồ uống hằng ngày tạo ra axit làm mòn, hỏng men răng.
Hoặc trường hợp trẻ chải răng sai cách, chải mạnh tay theo chiều ngang trong thời gian dài cũng làm nướu tụt xuống, mòn cổ chân răng.
3. Tiêu thụ quá nhiều thức ăn, đồ uống chứa đường và có tính axit
Trẻ con thường rất thích bánh kẹo, nước ngọt, kem, thức ăn nhanh,… và đây cũng là những món ăn mà vi khuẩn trong miệng rất thích. Tiêu thụ những thực phẩm này càng nhiều kèm với chế độ vệ sinh răng miệng kém sẽ khiến số lượng vi khuẩn trong miệng ngày một gia tăng.
4. Thiếu florua
Đây là khoáng chất tự nhiên có tác dụng tăng cường sự cứng chắc men răng, ngăn ngừa tình trạng sâu răng. Việc trẻ thiếu florua sẽ khiến men răng dễ bị mòn hơn. Ngoài ra, sự thiếu hụt canxi cũng là nguyên nhân khiến răng kém chắc khỏe.
III. Cần làm gì khi răng bé bị mòn
Rất nhiều phụ huynh thường xem nhẹ các vấn đề răng miệng của con vì quan niệm răng sữa sau này sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Trên thực tế, răng sữa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chiếc răng sữa đầu tiên nhú lên khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi và bộ răng sữa gồm 20 chiếc sẽ hoàn thiện dần trong những năm tiếp theo với vai trò giúp con ăn uống hoặc hỗ trợ quá trình học nói thuận lợi hơn.
Đặc biệt, răng sữa còn giúp định hình cung hàm, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí, không xảy ra tình trạng mọc lệch, chen chúc. Chính vì vậy mà dù răng sữa sẽ thay nhưng vẫn cần được chăm sóc tốt.
Trường hợp răng sữa của bé bị mòn, bố mẹ cần đưa con đến nha khoa để được bác sĩ thăm khám và tùy vào mức độ nghiêm trọng mà chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
1. Tái khoáng răng
Nếu mòn răng chỉ ở mức độ nhẹ, mới xuất hiện một dải trắng trên bề mặt răng, bác sĩ sẽ chỉ định tái khoáng răng bằng cách bổ sung florua có nồng độ cao hơn trong kem đánh răng hoặc nước súc miệng. Điều trị florua chuyên sâu tại nha khoa thường chỉ mất khoảng 10 – 15 phút.
Đồng thời, bố mẹ cũng có thể kết hợp tái khoáng răng cho con tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường những thực phẩm giàu canxi và vitamin, hạn chế những thức ăn nhiều đường, tinh bột và có tính axit.
Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa nồng độ florua phù hợp giúp răng chắc khỏe và hạn chế tình trạng ê buốt khó chịu.
2. Trám răng
Trong trường hợp mòn men răng nghiêm trọng và tiến triển đến giai đoạn sâu răng, bác sĩ sẽ loại bỏ phần mô răng bị sâu và trám bít bằng vật liệu composite cho thẩm mỹ, độ bền chắc cao.
Việc điều trị mòn răng kịp thời không chỉ giúp trẻ khôi phục chức năng ăn nhai mà còn giữ được chiếc răng sữa đến thời điểm thay răng, hỗ trợ răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.
IV. Cách phòng tránh răng bé bị mòn
Để trẻ có một sức khỏe răng miệng tốt, không gặp tình trạng mòn răng, bố mẹ cần lưu ý quan tâm hơn đến chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng hằng ngày của con:
- Hình thành cho trẻ thói quen chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm. Dạy con chải răng nhẹ nhàng theo chiều dọc, chia số lượng răng thành từng cụm nhỏ để đảm bảo không chiếc răng nào bị bỏ sót.
- Bố mẹ nên chọn cho con loại kem đánh răng có chứa nồng độ florua phù hợp. Tránh cho con sử dụng chung kem đánh răng với người lớn.
- Hướng dẫn trẻ cách sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ vụn thức ăn thừa và mảng bám trên bề mặt răng. Kết hợp dùng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng.
- Hạn chế những món ăn nhiều đường, tinh bột và thực phẩm có tính axit như kẹo, kem, bánh quy, nước ngọt, soda,… Thay vào đó, tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin, chất xơ và khoáng chất có trong các loại rau củ, trái cây tươi, thịt, trứng, sữa,…
- Tránh để con ngậm bình sữa khi ngủ. Xây dựng cho con thói quen uống nước lọc sau khi uống sữa hoặc ăn vặt.
- Đưa trẻ đến nha khoa thăm khám định kỳ 6 tháng/lần nhằm kiểm tra răng miệng, phát hiện và điều trị kịp thời những vấn đề có thể xảy ra.
Răng bé bị mòn rất dễ xử lý nhưng khi chủ quan không can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Nếu trẻ bị mòn răng, hãy đến Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí. Hoặc nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ vào số hotline 0972 411 411 để được giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm mọc răng:
- Quá trình trẻ mọc răng qua các giai đoạn
- Nhổ răng khôn mọc ngầm
- Triệu chứng mọc răng khôn thường gặp
- Bao nhiêu tuổi mới hết mọc răng?
Xem thêm răng miệng trẻ em: