Viêm loét miệng là những tổn thương ở lớp niêm mạc miệng, gây đau rát, khó chịu cho người bệnh. Vậy viêm loét miệng nguyên nhân do đâu? Biểu hiện như thế nào và phương pháp điều trị ra sao?
Mục Lục
I. Nguyên nhân bị viêm loét niêm mạc miệng
Viêm loét miệng là những vết loét nông nhỏ khác nhau xuất hiện trong bề mặt nướu, môi, lưỡi,… Nguyên nhân gây viêm loét miệng có thể kể đến là:
- Các chấn thương do sử dụng bàn chải đánh răng quá to, quá cứng; vô tình cắn phải niêm mạc miệng, lưỡi khi ăn; bỏng nhiệt do ăn thức ăn quá nóng; thường xuyên dùng nước súc miệng có chứa thành phần sodium lauryl sulphate cũng là tác nhân gây viêm loét miệng,…
- Thường xuyên ăn thực phẩm cay nóng, có tính axit cao hoặc cơ thể nhạy cảm với một số loại thức ăn như pho mát, dứa cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm loét miệng.
- Một chế độ ăn uống thiếu khoa học, không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nhất là sự thiếu hụt vitamin B12, kẽm, folate, sắt,… thường gây ra những tổn thương ở niêm mạc miệng.
- Bên cạnh đó, viêm loét miệng còn do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, tuổi dậy thì hoặc thời kỳ mãn kinh. Và thường xuyên căng thẳng về mặt tâm lý cũng gây loét miệng.
II. Dấu hiệu viêm loét miệng
Một vài dấu hiệu giúp bạn nhận biết hiện tượng viêm loét miệng để có phương pháp khắc phục phù hợp:
- Vết loét thường có hình tròn, hình oval hoặc những tổn thương nông hình lòng chảo khác nhau.
- Đáy vết loét thường có màu trắng hoặc vàng nhạt và xung quanh có viền đỏ.
- Vết loét miệng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên khoang miệng như bề mặt lưỡi, dưới lưỡi, lợi, khẩu cái, môi.
- Cảm giác đau rát, nhất là khi ăn uống hoặc nói chuyện. Điều này khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhai nuốt.
- Viêm loét miệng thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Và có khoảng 30% bệnh nhân gặp viêm loét miệng tái diễn nhiều lần.
III. Phân biệt viêm loét miệng thông thường với bệnh khác
Những dấu hiệu của viêm loét miệng thường có nét tương đồng với một số bệnh lý khác, nhất là tay chân miệng và ung thư lưỡi. Do vậy mà bạn nên chú ý đến những sự thay đổi bất thường trên cơ thể nhiều hơn.
Như đã đề cập ở phần đầu, viêm loét miệng thường là những vết loét hình tròn hoặc oval, bên trong có màu trắng và xung quanh là viền đỏ. Thông thường các vết loét sẽ tự khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày mà không để lại sẹo.
Trong khi đó, với bệnh tay chân miệng, bệnh nhân cũng xuất hiện những vết tổn thương đỏ nhưng ở dạng phỏng nước với đường kính khoảng 2 – 3 mm. Và trẻ nhỏ còn có biểu hiện sốt khoảng 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện vết loét.
Còn ở bệnh ung thư lưỡi, bệnh nhân vẫn xuất hiện vết loét nhưng sau đó một thời gian sẽ xuất hiện u sùi ở lưỡi hoặc vết loét nằm trên u sùi. Những tổn thương này có thể là màu đỏ lẫn trắng hoặc vàng, thậm chí là màu đen. Vết loét thường chai cứng, chảy máu và có mùi hôi khó chịu.
Trường hợp mắc các bệnh tự miễn, người bệnh cũng phải đối mặt với những vết loét miệng. Tuy nhiên, khi đó tình trạng viêm loét còn có thể gặp ở một số vùng da khác của cơ thể. Hoặc bệnh lupus ban đỏ cũng gây vết loét miệng đồng thời kèm theo các triệu chứng khác như tổn thương ở khớp, thận, thường xuyên thiếu máu.
IV. Phương pháp điều trị
Bệnh viêm loét nhiệt miệng thông thường sẽ tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày mà không để lại sẹo nên bạn không cần quá lo lắng. Trong thời gian này, nếu vết loét miệng gây ra cảm giác đau rát khó chịu, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để kiểm soát cơn đau tốt hơn và hỗ trợ vết loét mau lành.
1. Dùng gel bôi nhiệt miệng
Hiện nay có rất nhiều loại gel bôi nhiệt miệng an toàn, lành tính có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Những sản phẩm này mang lại hiệu quả rất lớn, giúp vết thương mau lành hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến của dược sĩ khi mua thuốc.
2. Áp dụng các phương pháp giảm đau tại chỗ
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý, tinh dầu bạc hà, đinh hương, cỏ xạ hương, lá trà,… Phương pháp này cho hiệu quả giảm đau khá tốt.
Hoặc người bệnh có thể hạn chế vết loét phát triển lớn hơn, rút ngắn thời gian lành thương bằng cách bôi trực tiếp mật ong lên vết thương. Hoặc có thể thay thế mật ong bằng nha đam, túi lọc trà,…
3. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Trong thời gian bị nhiệt miệng, bạn nên thường xuyên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và chất xơ giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Một số thực phẩm nên bổ sung trong thời gian này là nước ép cà rốt, cần tây, nước ép cam, dâu tây, dưa hấu, cà chua,…
4. Hạn chế những thói quen ăn uống không tốt
Cảm giác đau rát do vết loét miệng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên ăn thực phẩm cay nóng. Vì vậy mà thời gian này, bạn nên ưu tiên những món ăn thanh đạm, tránh nêm nếm tiêu, ớt làm vết thương bị kích thích.
V. Biện pháp phòng bệnh
Để hạn chế sự xuất hiện của những vết loét nhiệt miệng, bạn có thể phòng ngừa bằng những phương pháp sau:
1. Vệ sinh răng miệng khoa học
Một trong những cách phòng ngừa viêm loét miệng tốt nhất là hãy đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa nồng độ fluor phù hợp.
Tránh sử dụng bàn chải lông cứng và chải răng quá mạnh tay vì điều này có thể tạo ra những vết xước trong khoang miệng.
Bàn chải đánh răng cần thay định kỳ 3 – 6 tháng/lần hoặc bất kỳ lúc nào thấy lông bàn chải tòe đi nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng loại bỏ mảng bám, vụn thức ăn thừa, vi khuẩn trong khoang miệng, giữ cho hơi thở thơm tho, sạch sẽ.
2. Chế độ ăn uống hợp lý
Tăng cường bổ sung lượng protein cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin C, D, canxi, kẽm, sắt, magie cũng cần chú ý cân bằng trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày.
Một số thực phẩm giàu dưỡng chất mà bạn nên bổ sung như thịt, cá, trứng, đậu nành, rau màu xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây tươi,…
Tránh ăn thức ăn quá nóng sẽ làm bỏng lớp niêm mạc miệng, hình thành vết loét đau rát khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế những thực phẩm nhiều đường và axit.
3. Giữ tinh thần thoải mái
Các nghiên cứu đã chỉ ra, người thường xuyên bị căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống thì tình trạng loét miệng cũng xảy ra nhiều hơn.
Vì vậy, hãy giữ tinh thần luôn thoải mái bằng cách tập luyện thể dục thể thao, tránh thức khuya, ngồi thiền, đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn,…
Viêm loét miệng mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng cũng gây không ít rắc rối, phiền toái cho người bệnh. Do đó, khi nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh sẽ có biện pháp điều trị phòng ngừa hợp lý. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 để được giải đáp nhanh nhất.