Trật khớp thái dương hàm là bệnh lý phổ biến, mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra nhiều phiền phức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là quá trình ăn nhai. Vậy trật khớp thái dương hàm triệu chứng ra sao và điều trị như thế nào để khắc phục?
I. Trật khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm được biết là khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Chúng bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương cùng các thành phần cấu thành quan trọng khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm chịu trách nhiệm giúp hàm đóng mở, từ đó thực hiện các hoạt động như ăn nhai, nói, nuốt,…
Tình trạng trật khớp thái dương hàm xảy ra khi khớp nối giữa xương sọ và xương hàm dưới mất cân bằng. Nguyên nhân là do khớp này viêm nhiễm lâu ngày không được phát hiện và điều trị. Hoặc bất kỳ vấn đề nào làm hệ thống cơ bắp, dây chằng, đĩa đệm và cấu trúc xương hoạt động sai lệch.
Khi bệnh nhân bị trật khớp thái dương hàm sẽ xuất hiện tình trạng đau vùng hàm, cổ, mặt, thậm chí là đau đầu, đau tai và có tiếng lục cục khi nhai hoặc há miệng.
Bệnh lý này có thể xuất hiện ở tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên, nữ giới dậy thì và mãn kinh có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng do khớp thái dương hàm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống nhai nên một khi bị trật sẽ khiến quá trình ăn uống gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
II. Nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm
Trật khớp thái dương hàm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến:
- Phần khớp thái dương hàm gặp tình trạng nhiễm khuẩn nhưng không được phát hiện và điều trị sớm.
- Mắc bệnh lý thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.
- Liên tục gặp áp lực trong công việc, căng thẳng dây thần kinh.
- Mở miệng rộng một cách đột ngột hoặc chấn thương do tai nạn, va đập.
- Tật nghiến răng khi ngủ làm hàm bị siết chặt, tác động lực lớn đến khớp thái dương hàm gây trật khớp.
- Tình trạng mòn răng, răng thưa, mất răng sớm hoặc răng mọc khấp khểnh, lệch lạc cũng là nguyên nhân làm trật khớp thái dương hàm.
- Bên cạnh đó, việc phục hình răng giả không chính xác cũng làm tăng nguy cơ gây trật khớp thái dương hàm.
- Ngoài ra, một số ít trường hợp là do xương hàm bị biến dạng bẩm sinh hoặc nhổ răng số 8 không đúng kỹ thuật.
III. Triệu chứng trật khớp thái dương hàm
1. Lâm sàng
Khi gặp tình trạng trật khớp hay rối loạn khớp thái dương hàm, người bệnh sẽ có những triệu chứng cụ thể như:
- Xuất hiện những cơn đau ở hai bên mặt. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau sẽ xảy ra liên tục và trở nên dữ dội khi ăn nhai, nhất là những thực phẩm dai cứng.
- Người bệnh gặp khó khăn khi cử động hàm hoặc đóng mở miệng. Và khi thực hiện thao tác ăn nhai hay há miệng, nói chuyện sẽ nghe tiếng kêu lục cục.
- Nhiều trường hợp thậm chí còn không thể ngậm miệng sau khi cười lớn hoặc ngáp quá to. Với những trường hợp bệnh nhân đã bị thủng đĩa khớp thì không thể há miệng được.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp triệu chứng đau đầu, mỏi cổ, mệt mỏi, đau tai, nhức thái dương,… một cách đột ngột.
2. Cận lâm sàng
Hầu hết, trật khớp thái dương hàm thường được chẩn đoán chính dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định để đánh giá mức độ tổn thương, các kiểu trật khớp, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp X-quang khớp thái dương hàm hoặc chụp CT hệ thống xương sọ mặt.
IV. Phân loại trật khớp thái dương hàm
Hiện nay, các dạng trật khớp thái dương hàm được phân thành 3 dạng:
- Trật khớp thái dương hàm ra trước
- Trật khớp thái dương hàm ra sau
- Trật khớp thái dương hàm lên trên
Thông qua kỹ thuật chụp X-quang kết hợp với CT hệ thống xương sọ mặt, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng trật khớp thái dương hàm của bệnh nhân, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn và mang lại kết quả tốt nhất.
V. Điều trị trật khớp thái dương hàm
Nhiều người mang tâm lý chủ quan với các biểu hiện ban đầu của bệnh nên không tiến hành can thiệp điều trị. Khi bệnh tiến triển nặng hơn việc điều trị sẽ trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian.
Do đó, ngay khi phát hiện những triệu chứng của bệnh trật khớp thái dương hàm, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
1. Bệnh ở mức độ nhẹ và xuất phát từ yếu tố căng thẳng, áp lực
Trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị không can thiệp bằng phương pháp sử dụng thuốc hoặc tâm lý trị liệu.
- Bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc giãn cơ.
- Kết hợp biện pháp tâm lý trị liệu như xoa nắn, chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại hoặc tập vận động hàm dưới.
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể đeo máng nhai. Đây là khí cụ làm bằng nhựa trong suốt có thể tự ý tháo lắp. Máng nhai này có công dụng giúp định vị lại khớp cắn.
2. Trật khớp thái dương hàm do răng
Nếu bệnh xuất phát từ vấn đề về răng, tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ chỉ định các biện pháp như niềng răng, mài răng điều chỉnh khớp cắn. Hoặc xem xét lại các phục hình răng giả (nếu có) và chỉnh sửa phù hợp.
3. Do va đập, mở rộng miệng đột ngột
Đa phần những trường hợp này bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật nắn khớp bằng tay. Trước tiên, có thể bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm đau hoặc giãn cơ nhẹ rồi thực hiện phối hợp cùng bác sĩ.
Bằng kỹ thuật và chuyên môn, bác sĩ sẽ dùng lực tay nắn lại bên khớp bị trật, giúp chúng về đúng vị trí. Khi khớp thái dương hàm trở lại trạng thái bình thường, bác sĩ băng phần cằm, đầu của bệnh nhân trong khoảng 10 – 14 ngày nhằm ngăn ngừa tình trạng tái phát và hạn chế những tác động mạnh, quá mức lên khớp thái dương hàm.
4. Do xương hàm bị biến dạng
Trong trường hợp bệnh trật khớp mãn tính hoặc do xương hàm biến dạng bẩm sinh, có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành điều trị phẫu thuật:
- Thắt chặt các dây chằng quanh khớp thái dương hàm để chúng ngắn lại nhằm cố định khớp tốt hơn.
- Phẫu thuật xương ổ răng giảm bớt độ dày của xương.
Lưu ý, sau khi điều trị để tình trạng trật khớp thái dương hàm không tái phát, bạn nên hạn chế những món ăn quá dai cứng. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng răng cắn móng tay, nhai đá, cắn xé bao bì, cạy mở nắp chai,…
Nếu có tật nghiến răng khi ngủ, hãy đến nha khoa lấy dấu hàm và làm máng chống nghiến. Cách này không chỉ ngăn ngừa được tình trạng trật khớp mà còn bảo vệ răng khỏi nguy cơ mòn, sứt mẻ. Lưu ý, máng chống nghiến không nên tự tiện mua bên ngoài vì không phù hợp với cung hàm của bạn làm ảnh hưởng đến khớp cắn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao, đọc sách, ngồi thiền, nghe nhạc,… để giải tỏa áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.
Như vậy, nhận biết được nguyên nhân, triệu chứng của trật khớp thái dương hàm sẽ có biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm kiến thức tổng hợp:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?