Răng là bộ phận rất quan trọng của cơ thể, không chỉ nắm giữ vai trò ăn nhai mà nó còn ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của toàn bộ gương mặt. Mỗi người nên hiểu rõ được răng là gì? Cấu tạo, phân loại và các thông tin chi tiết về răng như thế nào để có thể chăm sóc răng miệng một cách tốt nhất, ngừa bệnh lý có thể phát sinh.
I. Răng là gì?
Răng là một phần phụ nằm trên xương hàm, có cấu trúc như mô xương cứng nhờ hiện tượng vôi hóa. Đây là bộ phận đảm nhận chức năng chính là cắn xé, nhai nghiền thức ăn.
Bên cạnh đó răng còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát âm, bảo vệ và cấu trúc sọ mặt. Đồng thời, răng cũng là bộ phận quyết định nhiều đến diện mạo, thẩm mỹ của gương mặt.
Răng không giống như xương, nó sẽ được hình thành từ nhiều lớp mô có độ cứng chắc, độ đặc khác nhau.
Răng thường có hình dáng và kích thước khá đa dạng tùy thuộc theo từng độ tuổi, giới tính, gen, yếu tố di truyền. Mỗi một chiếc răng sẽ được bao bọc bởi mô mềm có màu hồng nhạt tên gọi là nướu.
Mỗi người khi sinh ra sẽ trải qua 2 lần mọc răng trong đời. Lần đầu sẽ là mọc răng sữa và cuối cùng sẽ là răng vĩnh viễn.
Trong đó răng sữa sẽ có 20 chiếc và răng vĩnh viễn sẽ có 32 chiếc (tính cả răng khôn) chia đều cho cả 2 hàm trên và dưới.
Cũng giống như nhiều bộ phận khác của cơ thể, răng có cấu tạo khá đặc biệt và nắm giữ các vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe không gì có thể thay thế được. Do đó, việc chăm sóc, bảo vệ răng miệng đúng cách là việc làm rất cần thiết luôn được bác sĩ khuyến khích mỗi người nên chú ý duy trì thực hiện tốt.
II. Cấu tạo của răng
1. Các thành phần của răng
Xét về mặt tổng thể mỗi chiếc răng sẽ bao gồm 3 thành phần chính đó là: thân răng, cổ răng, chân răng.
- Thân răng (vành răng)
Là phần nằm bên trên nướu mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được bằng mắt thường. Thân răng sẽ có 3 mặt gồm: mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai.
- Cổ răng
Đây là phần tiếp giáp giữa răng và nướu, phân cách thân răng và chân răng.
- Chân răng
Là phần nằm sâu bên dưới nướu và trong xương ổ răng của xương hàm. Chân răng sẽ liên kết chặt chẽ với xương hàm và nâng đỡ, tạo độ vững chắc tốt nhất cho răng.
2. Cấu trúc răng
Khi xét giải phẫu cấu trúc răng từ phía ngoài vào trong, răng sẽ được cấu tạo bởi 3 lớp gồm: men răng, ngà răng, tủy răng.
- Men răng
Đây là lớp ngoài cùng bao phủ và bảo vệ cho toàn bộ thân răng.
Men răng thường có màu trắng sữa, là thành phần cứng chắc nhất trên cơ thể và không có dây thần kinh chi phối, không có nguồn cung cấp màu nuôi dưỡng. Do đó, nếu chẳng may men răng bị tổn thương sẽ không thể hồi phục lại như bình thường được.
- Ngà răng
Ngà răng là lớp nằm ở giữa, chiếm phần lớn khối lượng của răng được bao phủ hoàn toàn bởi men răng.
Lớp ngà răng tự nhiên thường có màu vàng nhạt với đặc tính xốp và thấm, độ cứng cao nhưng sẽ không bằng so với men răng.
Ngà răng sẽ bao gồm nhiều ống ngà nhỏ chứa tế bào ngà giúp nhận biết được các cảm giác nóng, lạnh mỗi khi ăn uống.
Nếu men răng phía ngoài bị tổn thương làm lộ ngà sẽ rất dễ bị vi khuẩn, axit tấn công. Từ đó khiến răng dễ bị ê đau, nhạy cảm khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích phía ngoài ảnh hưởng đến ngà răng.
- Tủy răng
Là mô liên kết đặc biệt nằm phía trong cùng, được bao bọc bởi lớp men răng và ngà răng.
Tủy răng có cấu trúc mềm, kéo dài từ bên trong thân răng đến cuối chân răng, chứa các dây thần kinh, mạch máu để nuôi dưỡng răng luôn khỏe mạnh.
III. Phân loại răng
Hàm răng người được chia thành 4 nhóm chính đó là: răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm lớn.
Mỗi một nhóm răng sẽ có các đặc điểm, chức năng riêng biệt. Cụ thể như sau:
1. Răng cửa
Nhóm răng cửa sẽ có tổng cộng 8 chiếc sẽ được chia đều gồm 4 chiếc ở hàm trên và 4 chiếc ở hàm dưới.
Nằm ở vị trí phía trước cung hàm dễ dàng nhìn thấy được mỗi khi nói cười. Do đó nhóm răng này sẽ có vai trò quan trọng đến thẩm mỹ của nụ cười và cả khuôn mặt.
Bên cạnh đó, răng cửa có rìa cắn nhỏ, sắc bén sẽ hỗ trợ tốt cho việc cắn, xé thức ăn thành từng miếng nhỏ.
Đồng thời, răng cửa cũng góp phần nhiều trong vấn đề hoàn thiện giọng nói và phát âm của mỗi người. Nhờ đó giúp phát âm được rõ ràng, ổn định và mạch lạc nhất.
2. Răng nanh
Nhóm răng này có tổng cộng 4 chiếc chia đều cho 2 bên trái phải ở 2 hàm trên và dưới.
Răng nanh có hình dáng như ngọn giáo, cạnh dài sắc nhọn.
Chức năng chính dùng để kẹp và xé nhỏ thức ăn. Đồng thời cũng giữ vai trò thẩm mỹ nhất định.
Một số người có răng nanh mọc lệch và chếch ra phía ngoài thì sẽ được gọi là răng khểnh. Những chiếc răng khểnh với mức độ vừa phải, cân đối sẽ tạo được nét duyên dáng cho người sở hữu.
Thế nhưng không ít trường hợp răng khểnh mọc sai lệch quá mức sẽ làm cho hàm răng và gương mặt trông kém thẩm mỹ. Thậm chí tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng nên cần phải có biện pháp khắc phục hiệu quả càng sớm càng tốt.
3. Răng hàm nhỏ (răng cối nhỏ)
Nhóm răng hàm nhỏ có tổng cộng 8 chiếc chia đều ở cả 2 hàm trên và dưới. Nắm giữ vai trò xé và nghiền nhỏ thức ăn hiệu quả.
Kích thước của nhóm răng này có phần to hơn so với răng cửa, răng nhanh và không có rìa cắn. Thay vào đó mặt cắn của răng khá phẳng, mũ răng dạng hình lập phương, mặt nhai có các gờ rãnh.
4. Răng hàm lớn (răng cối lớn)
Đây là nhóm răng có số lượng nhiều nhất gồm 12 chiếc đối xứng với nhau chia đều 6 chiếc ở hàm trên và 6 chiếc ở hàm dưới.
Răng hàm lớn có kích thước lớn nhất trên cung hàm, chiều cao ngắn nhưng bề mặt nhai rộng với nhiều gờ rãnh bên trên.
Đây được xem là nhóm răng có vai trò ăn nhai quan trọng nhất giúp nhai nghiền thức ăn đủ nhỏ với một lực mạnh trước khi đưa xuống dạ dày. Nhờ đó sẽ góp phần giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi hơn.
IV. Vị trí, số lượng và cách đọc thứ tự răng
Ở người trưởng thành sẽ có tổng cộng 32 chiếc răng. Trong đó sẽ gồm: 8 răng cửa, 4 răng nanh, 16 răng hàm và 4 răng hàm lớn (răng khôn) có thể mọc hoặc không.
Các răng này sẽ được chia đều cho 4 phần cung hàm từ 1 – 4 theo chiều kim đồng hồ và được đánh số thứ tự từ 1 – 8.
Lúc này, các răng sẽ được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 – 8 tính từ vị trí răng cửa giữa. Cụ thể số thứ tự của các răng sẽ được thể hiện trong hình ảnh sau đây:
Trong y khoa sẽ có các quy định đọc số thứ tự răng chi tiết hơn để nhận biết được chính xác chiếc răng đó là răng số mấy, vị trí ở hàm trên hay dưới, bên trái hay phải.
Như đã chia sẻ trước đó, cung hàm của mỗi người sẽ được chia thành 4 phần và được đánh thứ tự từ 1 – 4 theo chiều kim đồng hồ.
Cách đọc răng khá dễ dàng, bạn có thể áp dụng công thức sau: Rab
Trong đó:
- R là viết tắt của răng
- a là số thứ tự cung hàm (1,2,3,4)
- b là số thứ tự răng (1-8)
– Răng cửa hàm trên bên phải là R11 – Răng cửa bên hàm trên bên phải là R12 – Răng nanh hàm trên bên phải là R13 – Răng tiền hàm thứ nhất hàm trên bên phải là R14 – Răng tiền hàm thứ hai hàm trên bên phải là R15 – Răng cối thứ nhất hàm trên bên phải là R16 – Răng cối thứ hai hàm trên bên phải là R17 – Răng khôn hàm trên bên phải là R18 |
– Răng cửa hàm trên bên trái là R21 – Răng cửa bên hàm trên bên trái là R22 – Răng nanh hàm trên bên trái là R23 – Răng tiền hàm thứ nhất hàm trên bên trái là R24 – Răng tiền hàm thứ hai hàm trên bên trái là R25 – Răng cối thứ nhất hàm trên bên trái là R26 – Răng cối thứ hai hàm trên bên trái là R27 – Răng khôn hàm trên bên trái là R28 |
– Răng cửa hàm dưới bên phải là R41 – Răng cửa bên hàm dưới bên phải là R42 – Răng nanh hàm dưới bên phải là R43 – Răng tiền hàm thứ nhất hàm dưới bên phải là R44 – Răng tiền hàm thứ hai hàm dưới bên phải là R45 – Răng cối thứ nhất hàm dưới bên phải là R46 – Răng cối thứ hai hàm dưới bên phải là R47 – Răng khôn hàm dưới bên phải là R48 |
– Răng cửa hàm dưới bên trái là R31 – Răng cửa bên hàm dưới bên trái là R32 – Răng nanh hàm dưới bên trái là R33 – Răng tiền hàm thứ nhất hàm dưới bên trái là R34 – Răng tiền hàm thứ hai hàm dưới bên trái là R35 – Răng cối thứ nhất hàm dưới bên trái là R36 – Răng cối thứ hai hàm dưới bên trái là R37 – Răng khôn hàm dưới bên trái là R38 |
Để dễ hình dung bạn có thể quan sát hình ảnh sau đây:
Đối với hệ răng sữa cũng có cách đọc tương tự phần cung hàm thay vì 1,2,3,4 sẽ thay bằng 5,6,7,8 và được hiểu như sau:
- Phần cung hàm 1 của răng vĩnh viễn sẽ tương đương với số 5
- Phần cung hàm 2 của răng vĩnh viễn sẽ tương đương với số 6
- Phần cung hàm 3 của răng vĩnh viễn sẽ tương đương với số 7
- Phần cung hàm 4 của răng vĩnh viễn sẽ tương đương với số 8
Chi tiết sẽ được thể hiện ngay trong hình ảnh bên dưới đây:
V. Các chức năng của răng
Răng nắm giữ nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Trong đó, các chức năng nổi bật không thể không nhắc đến đó là:
1. Chức năng ăn nhai
Nhiệm vụ chính của răng đó là cắn xé, nhai nghiền thức ăn đủ nhỏ trước khi đưa vào dạ dày giúp dễ nuốt, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa được thuận lợi nhất.
Một hàm răng khỏe mạnh thì việc ăn uống hằng ngày sẽ ngon miệng hơn, tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất tốt, duy trì đề kháng cơ thể giúp phòng chống nhiều bệnh tật hiệu quả.
2. Chức năng thẩm mỹ
Có thể thấy một hàm răng mọc đều đẹp, trắng sáng sẽ góp phần tăng được thẩm mỹ cho cả gương mặt. Lúc này bạn sẽ tự tin và tỏa sáng với nụ cười đầy rạng rỡ của mình, dễ tạo được thiện cảm với mọi người mỗi khi giao tiếp.
Khi có được sự tự tin với diện mạo của mình cũng góp phần tạo được nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống, công việc.
3. Chức năng phát âm
Khi phát âm cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn ở cả răng và lưỡi.
Vậy nên một hàm răng đầy đủ, đều đặn sẽ là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho việc phát âm đảm bảo được tròn vành, rõ chữ.
Nếu chẳng may bị mất răng đặc biệt là các răng cửa sẽ tạo ra khoảng trống làm cho âm phát ra khó có sự chuẩn xác được. Lúc này việc giao tiếp hằng ngày sẽ gặp nhiều trở ngại, việc học ngoại ngữ cũng kém hiệu quả.
Đối với trẻ em nếu như bị mất răng sữa sớm thường dễ gặp tình trạng nói ngọng, không thể phát âm chuẩn.
VI. Cách chăm sóc răng miệng đúng chuẩn
Mỗi người nên chú trọng hơn đến việc chăm sóc răng miệng đảm bảo khoa học, đúng cách. Có như vậy mới duy trì được một hàm răng khỏe mạnh, sạch khỏe, ngăn ngừa tối đa bệnh lý và các ảnh hưởng nguy hại có thể xảy ra.
Sau đây là những vấn đề mà bạn nên chú ý và duy trì thực hiện tốt mỗi ngày:
1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ đúng cách
- Theo khuyến nghị của nha sĩ mỗi ngày cần phải đảm bảo chải răng sạch sẽ từ 2 – 3 lần vào buổi sáng, tối và sau khi ăn xong khoảng 30 phút.
- Nên duy trì thời gian cho mỗi lần chải răng tối thiểu 2 phút để đạt được hiệu quả làm sạch tối ưu.
- Thao tác chải răng cần dùng lực nhẹ vừa phải, thực hiện theo chuyển động xoay tròn hoặc chải theo chiều thẳng đứng ở mọi bề mặt của răng.
- Tuyệt đối không chải răng quá mạnh, chải răng quá nhiều lần trong ngày, chải răng theo chiều ngang để tránh làm tổn thương, xói mòn men răng, chảy máu nướu răng.
- Ưu tiên chọn dùng các loại kem đánh răng chứa flour để răng luôn được chắc khỏe. Khi răng có tình trạng ê buốt hãy chọn dùng các loại kem chuyên dụng cho răng nhạy cảm để thoải mái, dễ chịu hơn khi chải răng.
- Bàn chải cần phải dùng những loại có đầu lông tơ mềm mượt. Thay mới thường xuyên khi dùng được khoảng 2 – 3 tháng hoặc thay ngay khi đầu lông bàn chải đã bị xơ mòn.
- Sau chải răng cần phải chải sạch cả vùng lưỡi bằng bàn chải hoặc các dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng.
- Mỗi ngày hãy sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần để lấy sạch các vụn thức ăn, mảng bám ở các kẽ răng mà bàn chải thông thường chưa tiếp cận để loại bỏ hết được.
- Súc miệng với nước muối sinh lý hoặc các dung dịch súc miệng chuyên dụng không chứa cồn để tiêu diệt các vi khuẩn trong khoang miệng, góp phần cải thiện hơi thở được thơm tho, ngừa sâu răng tốt hơn.
2. Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống, dinh dưỡng khoa học, lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe cơ thể mà còn tốt cho cả sức khỏe răng miệng.
- Hãy tránh xa việc ăn uống các món ngọt nhiều đường, thực phẩm có tính axit cao, đồ uống có ga.
- Bia rượu, cà phê, các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá dai cứng đều gây ảnh hưởng không tốt cho răng miệng nên cũng cần hạn chế tối đa.
- Ưu tiên cho việc chọn dùng những thực phẩm giàu các dưỡng chất tốt cho sức khỏe răng miệng. Cụ thể các các thực phẩm có chứa nhiều canxi, chất xơ, magie, photpho, vitamin C, D,… có từ thịt cá, hải sản, trứng, sữa, rau củ, trái cây tươi,…
- Uống đủ nước lọc mỗi ngày để khoang miệng được làm sạch tự nhiên. Không nên để khoang miệng bị khô sẽ rất dễ tạo môi trường để các vi khuẩn có hại sản sinh gây ảnh hưởng xấu cho răng miệng.
3. Từ bỏ các thói quen xấu
- Các thói quen như: dùng tăm xỉa răng, nhai nước đá lạnh, cắn xé, mở đồ vật bằng răng,… sẽ rất có hại, dễ gây chảy máu nướu, sứt mẻ, gãy vỡ răng nên cần phải loại bỏ ngay.
- Trường hợp có tật nghiến răng khi ngủ bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được chỉ định biện pháp điều trị phù hợp, tránh tác động mạnh từ thói quen này gây ra làm cho răng bị mài mòn, gãy mẻ.
- Hút thuốc là không chỉ tổn hại đến phổi mà đây còn là tác nhân hàng đầu khiến khoang miệng có mùi hôi, răng bị ố vàng, xỉn màu, nguy cơ gây các bệnh nha chu. Vì vậy nói không với thuốc là cũng là cách bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả.
4. Thăm khám răng định kỳ
Nhằm duy trì được hàm răng khỏe mạnh dài lâu thì mỗi người cần phải thường xuyên đến nha khoa thăm khám sức khỏe răng miệng tổng quát, cạo vôi răng làm sạch mảng bám cứng chắc mà bàn chải thông thường không làm được.
Thời gian tốt nhất để đến nha khoa khám răng theo khuyến nghị của bác sĩ đó là khoảng 6 tháng/lần. Khi thăm khám có thể giúp nhận biết sớm được các dấu hiệu bệnh lý bất thường. Nhờ vậy sẽ có cách khắc phục hiệu quả kịp thời, tránh xảy ra tác hại khó lường.
Trên đây là toàn bộ thông tin về vấn đề răng là gì? Cấu tạo, phân loại và các thông tin chi tiết về răng. Mọi thắc mắc hãy gọi về hotline 19007141 để được giải đáp cụ thể, nhanh chóng.
Xem thêm giải phẫu răng:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?