Trong nhiều thế kỷ, mật ong đã được sử dụng như một phương thuốc giúp chữa lành vết thương, điều trị viêm họng. Đặc biệt, dân gian còn rơ lưỡi bằng mật ong cho trẻ. Vậy phương pháp này có tốt không? Thực hiện như thế nào? Đáp án sẽ được tìm thấy trong bài viết dưới đây.
I. Có nên rơ lưỡi bằng mật ong cho trẻ?
Tưa lưỡi là một trong những bệnh lý răng miệng tương đối phổ biến do nấm candida albicans gây ra. Biểu hiện của bệnh tưa lưỡi là xuất hiện những mảng trắng ở bề mặt lưỡi, niêm mạc miệng. Đặc biệt, những mảng trắng này còn có thể lan rộng đến vòm họng và ăn sâu vào niêm mạc gây đau rát, chảy máu.
Để điều trị bệnh tưa lưỡi ở trẻ, nhiều bố mẹ áp dụng các phương pháp dân gian, trong đó phổ biến nhất là mật ong. Theo nghiên cứu, trong mật ong rất giàu acid amin, vitamin, khoáng chất (sắt, kẽm) và các chất chống oxy hóa không chỉ mang lại nguồn năng lượng cho cơ thể mà còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, phân hủy thành tế bào của vi khuẩn, vi nấm và tiêu diệt chúng triệt để.
Tuy nhiên, trong mật ong lại có chứa vi khuẩn clostridium botulinum. Độc tố của loại vi khuẩn này có khả năng gây hại cho trẻ, ảnh hưởng tới thần kinh và gây nên các triệu chứng tê liệt cơ. Vì vậy mà với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nhất là những bé dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập nên tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ hay chế biến đồ ăn.
Nhưng với những bé trên 1 tuổi, hệ tiêu hóa đã hoàn thiện và sức đề kháng tốt, không dị ứng với các thành phần nào của mật ong thì bố mẹ có thể sử dụng chúng để rơ lưỡi cho con. Lưu ý, cần sử dụng mật ong nguyên chất, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn.
II. Cách rơ lưỡi bằng mật ong cho trẻ
Thực ra không phải ai cũng biết cách rơ lưỡi của trẻ sao cho loại bỏ được vi khuẩn, mảng bám mà không làm con đau rát, khó chịu, nhất là với những ai mới bắt đầu làm cha mẹ. Dưới đây là những bước rơ lưỡi bằng mật ong được các chuyên gia chia sẻ giúp con thoải mái, dễ chịu hơn và đồng thời làm sạch mảng bám.
1. Chuẩn bị mật ong nguyên chất
Đây là bước quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe của con không có bất kỳ ảnh hưởng nào. Hiện nay có rất nhiều loại mật ong được bày bán trên thị trường, hàng thật giả lẫn lộn nên bố mẹ cần trang bị những kiến thức cần thiết để lựa chọn được hàng chất lượng.
Một vài mẹo nhỏ giúp bố mẹ nhận biết, phân biệt mật ong nguyên chất và mật ong có pha tạp chất:
- Nhỏ 1 giọt mật ong vào cốc nước nguội. Nếu quan sát thấy mật ong rất nhanh đã tan trong nước thì mật ong này đã pha tạp chất. Ngược lại nếu mật ong chìm xuống đáy cốc và không tan cho đến khi dùng thìa khuấy đều thì là mật ong chuẩn.
- Khuấy tan mật ong và đợi khoảng 1 phút cho mật ong lắng xuống. Nếu là mật ong nguyên chất thì cốc nước sẽ đồng đều về màu sắc. Trong khi đó, ở những loại mật ong có pha tạp chất thì để càng lâu dung dịch nước đường và hạt đường sẽ nổi lên trên mặt cốc.
- Nhỏ một vài giọt mật ong lên vải trắng. Thông thường mật ong đã bị pha sẽ thấm nhanh vào vải còn mật ong nguyên chất thì ngược lại thấm lâu hơn.
2. Lựa chọn loại gạc rơ lưỡi phù hợp
Cùng với mật ong, gạc rơ lưỡi là yếu tố quan trọng quyết định quá trình rơ lưỡi có hiệu quả không. Vì vậy bố mẹ cần chú ý những điểm sau khi lựa chọn gạc rơ lưỡi cho con.
Chất liệu gạc rơ lưỡi: Ưu tiên những loại có chất liệu mềm mại, tránh những loại thô ráp, thô cứng vì mặt lưỡi của con còn tương đối mỏng và nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương.
Không để lại sợi bông: Những loại gạc được dệt từ sợi polyester sẽ không để lại sợi bông trong miệng sau khi rơ lưỡi. Những loại gạc rơ lưỡi để lại sợi bông khá nguy hiểm, trẻ nuốt hoặc hít vào gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.
3. Đeo gạc rơ lưỡi
Trước tiên bố mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn rồi sau đó lau tay khô. Đeo gạc vào ngón trỏ hoặc bất kỳ ngón nào bạn cảm thấy thuận tiện nhất. Lưu ý quấn thật chặt tránh trường hợp quấn quá lỏng làm gạc bị rơi ra khi đang rơ lưỡi.
4. Thực hiện thao tác rơ lưỡi
Bế con vào lòng ở tư thế thích hợp sao cho đầu của con ngang bằng với ngực mẹ. Hoặc cho con nằm trên giường. Khi trẻ thoải mái, bắt đầu nằm im và không quấy khóc nữa, mẹ dùng ngón tay đeo gạc thấm vào chén mật ong đã chuẩn bị sẵn. Sau đó nhẹ nhàng đưa ngón tay vào miệng con và di chuyển qua lại làm sạch lưỡi.
Để đảm bảo không sót bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, bố mẹ nên vệ sinh theo thứ tự sau:
- Làm sạch phần mô nướu trước. Di chuyển theo hình tròn xoắn ốc. Cách này vừa giúp lấy đi mảng bám vừa massage nướu cho con.
- Sau đó, chuyển sang rơ 2 bên má và vòm họng. Lưu ý, không đưa tay quá sâu vào cuống họng, điều này sẽ gây kích thích làm trẻ nôn trớ.
- Cuối cùng là đến bề mặt lưỡi. Rơ lưỡi từ bên trong hướng ra ngoài. Chỉ vuốt theo 1 hướng và thao tác với lực vừa phải, chuẩn xác.
III. Rơ lưỡi cho trẻ bằng mật ong bao lâu thì khỏi?
Sau 2 – 3 ngày rơ lưỡi bằng mật ong, tình trạng nấm lưỡi của trẻ sẽ bắt đầu thuyên giảm. Và sau 4 – 5 ngày, tình trạng cải thiện rõ rệt hơn, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi này.
Vì vậy, tần suất rơ lưỡi cho trẻ nên duy trì ít nhất 2 lần/ngày và thực hiện liên tục trong 1 tuần để mang lại hiệu quả.
Trường hợp nếu qua 1 tuần mà không thấy tình trạng tưa lưỡi của con thay đổi, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp hơn, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng hơn.
IV. Lưu ý khi sử dụng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ
Việc rơ lưỡi thường xuyên cho trẻ là cần thiết để giữ răng miệng thơm tho và hạn chế những bệnh lý do vi khuẩn có thể xảy ra. Tuy nhiên quá trình rơ lưỡi nói chung cũng như sử dụng mật ong rơ lưỡi nói riêng, cần lưu ý những vấn đề sau để không làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe răng miệng của con.
- Mỗi một gạc rơ lưỡi chỉ dùng một lần, tuyệt đối không tái sử dụng. Điều này làm tăng nguy cơ vi khuẩn, nấm phát triển trong khoang miệng.
- Khi thấy mảng trắng nhiều, không chà xát hay dùng lực quá mạnh gỡ bỏ mảng trắng. Phương thức này không những không mang lại tác dụng mà còn làm trầy xước lưỡi của bé khiến tình trạng tưa lưỡi ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Tần suất rơ lưỡi cần đảm bảo 2 lần/ngày và duy trì liên tục trong 1 tuần. Không nên lạm dụng rơ lưỡi quá nhiều lần trong ngày làm tổn thương lưỡi của con.
- Sử dụng liều lượng mật ong phù hợp. Tốt nhất chỉ nên lấy 1 thìa cà phê mật ong. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa khỏe mạnh như người trưởng thành, việc nuốt phải một lượng lớn mật ong có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa với biểu hiện nôn ói, tiêu chảy.
- Không nên cho trẻ ăn ngay sau khi rơ lưỡi. Hãy để ít nhất khoảng 30 phút cho các thành phần có trong mật ong phát huy tác dụng. Đồng thời, nếu ăn ngay sẽ khiến con không có cảm giác ngon miệng, dễ bị nhợn khi ăn.
- Dỗ dành bé khi rơ lưỡi. Trẻ nhỏ thường hay quấy khóc và rất khó để nằm im. Vì vậy trong quá trình rơ lưỡi, mẹ hãy vỗ về, dỗ dành nói chuyện nhẹ nhàng trấn an con.
V. Cách phòng ngừa tưa lưỡi ở trẻ em
Tình trạng tưa lưỡi ở trẻ có thể phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
- Sau khi con bú và ăn xong cần được vệ sinh khoang miệng sạch sẽ. Việc này phải được đảm bảo thực hiện hằng ngày.
- Dùng gạc rơ lưỡi thấm nước ấm hoặc nước muối sinh lý lau sạch nướu, lưỡi và niêm mạc miệng.
- Khi con mọc đầy đủ răng sữa, hãy hướng dẫn con chải răng bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng phù hợp độ tuổi.
- Không để trẻ dùng chung đồ với người khác, nhất là những vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, bình sữa, ca uống nước,…
- Hạn chế hôn má, hôn môi con, đặc biệt là những người lạ.
- Tránh tình trạng mớm thức ăn cho con. Điều này có thể làm lây lan vi khuẩn từ miệng mẹ sang miệng con.
- Ngoài ra, trường hợp mẹ bị nhiễm nấm âm đạo, nấm vú trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh thì cần sớm điều trị triệt để.
Rơ lưỡi bằng mật ong là phương pháp điều trị và phòng ngừa tưa lưỡi hiệu quả cho bé. Nhưng chỉ nên áp dụng cho bé trên 1 tuổi. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ nha khoa Đông Nam, số hotline 0972 411 411 để được tư vấn thêm.
Xem thêm chăm sóc răng miệng:
Xem thêm răng miệng trẻ em:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?