Răng khôn, nhất là những chiếc răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng cần được nhổ bỏ sớm. Tuy nhiên, có một vài trường hợp sau khi nhổ răng khôn lại gặp nhiều biến chứng. Dưới đây là các biến chứng khi nhổ răng khôn thường gặp mà người bệnh cần lưu ý.
I. Khi nào nên nhổ răng khôn
Răng khôn là chiếc răng mọc muộn nhất trên cung hàm, khi bước vào độ tuổi trưởng thành từ 17 – 25. Đây là thời điểm mà răng và xương hàm đã phát triển hoàn thiện cả về kích thước lẫn độ cứng nên khi răng khôn mọc lên sẽ gặp nhiều cản trở. Chiếc răng khôn vì không đủ chỗ mà mọc ngầm, mọc lệch trong xương hàm.
Các trường hợp cần nhổ răng khôn để tránh gây ra những hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân:
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm trong xương hàm gây ra các biến chứng đau nhức, u nang, thậm chí là tình trạng nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
- Răng khôn mọc đâm vào răng số 7 làm tăng nguy cơ mất chiếc răng này và xô lệch các răng khác trên cung hàm.
- Răng khôn bị viêm lợi trùm hoặc hình thành khe giắt thức ăn với răng bên cạnh, tương lai dễ gây sâu răng nên cần được chỉ định nhổ sớm.
- Răng khôn mọc thẳng, không bị cản trở và hình dáng bình thường nhưng lại không có răng đối diện ăn khớp. Lâu ngày chiếc răng khôn này sẽ trồi dài hơn hình thành bậc thang với răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.
- Trong một vài trường hợp chỉnh nha niềng răng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhổ răng khôn để có khoảng trống kéo răng.
Ngoài ra, vì răng khôn không có ý nghĩa rõ ràng về mặt ăn nhai lại nằm vị trí sâu trong cung hàm nên rất khó vệ sinh, dễ tích tụ mảng bám và gây hôi miệng. Vì vậy để ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra trong tương lai, bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân nên nhổ răng khôn càng sớm càng tốt.
II. Các biến chứng khi nhổ răng khôn
Gây tổn thương dây thần kinh răng dưới
Dây thần kinh răng dưới thường nằm sát chân răng khôn hàm dưới, vai trò của chúng là tạo cảm giác một nửa cung răng, lợi và môi dưới.
Trường hợp thao tác nhổ răng quá thô bạo hoặc dây thần kinh nằm quá sát chân răng khôn hàm dưới mà bác sĩ không phát hiện sẽ rất dễ gây tổn thương, làm tê và loạn cảm giác ở môi.
Nhiễm trùng huyệt ổ răng
Nhổ răng trong điều kiện vô trùng không đảm bảo hoặc quá trình chăm sóc, vệ sinh của người bệnh không tốt là nguyên nhân chính làm nhiễm trùng huyệt ổ răng với những phản ứng cụ thể như sưng đau lan rộng, khó nuốt, há miệng hạn chế. Nguy hiểm hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết và dẫn tới tử vong.
Tổn thương răng số 7
Thường xảy ra khi bệnh nhân nhổ răng khôn hàm dưới mọc nghiêng, mọc đâm vào răng số 7. Nếu bác sĩ không đủ kinh nghiệm, thao tác nhổ răng sai cách sẽ gây đau nhức, sứt mẻ răng số 7, thậm chí là lung lay.
Vỡ xương hàm
Lực nhổ răng quá mạnh, không thể kiểm soát có khả năng dẫn tới vỡ xương hàm với những biểu hiện như sưng, đau nhức, chảy máu kéo dài.
Bên cạnh đó, biểu hiện sưng đau này còn có thể xuất phát từ việc ổ răng khô. Tình trạng ổ răng khô xảy ra khi cục máu đông không hình thành trong lỗ răng hoặc vỡ quá sớm.
Thủng xoang hàm trên
Biến chứng này xảy ra khi bệnh nhân nhổ răng khôn hàm trên. Do xoang hàm là cấu trúc rỗng, nằm sát chân răng 8, chỉ cách một bản xương mỏng. Thủng xoang hàm rất nguy hiểm nên với những trường hợp răng khôn khó, việc chụp X – Quang toàn hàm là rất cần thiết.
Nhổ sót chân răng
Tình trạng này được phát hiện thông qua chẩn đoán dựa trên phim X – Quang hoặc khi bệnh nhân gặp các biến chứng viêm nhiễm.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nếu vị trí giải phẫu phức tạp, răng khôn nằm gần mạch máu hoặc dây thần kinh lớn, bác sĩ nhận thấy việc loại bỏ hoàn toàn chân răng có khả năng xâm lấn và ảnh hưởng đến tổ chức xung quanh thì sẽ cân nhắc để lại chóp răng và theo dõi định kỳ.
Không há được miệng
Quá trình nhổ răng gây ra nhiều sang chấn khiến việc há miệng hạn chế. Từ đó khiến bệnh nhân gặp khó khăn về ăn uống, phát âm và vệ sinh răng miệng,…
Ngoài ra, trong một số ít trường hợp, bệnh nhân còn bị dị ứng, ngộ độc hoặc shock thuốc tê. Biểu hiện là sau khi tiêm, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, vã mồ hôi, rối loạn vị giác, nghiêm trọng hơn còn bị co giật, tụt huyết áp, tay chân lạnh, khó thở, thậm chí là mất ý thức, suy hô hấp và ngừng thở.
Trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, shock phản vệ với thuốc tê thì không chỉ ở phẫu thuật răng khôn mà bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cần sử dụng đến thuốc tê đều có khả năng xảy ra biến chứng này.
III. Biện pháp phòng tránh biến chứng khi nhổ răng khôn
Trước khi nhổ răng khôn
Phần lớn, những biến chứng mà bệnh nhân gặp phải sau khi nhổ răng khôn đều xuất phát từ việc thực hiện ở phòng khám kém chất lượng, tay nghề bác sĩ không vững, trang thiết bị máy móc hạn chế và hệ thống vô trùng không đạt chuẩn.
Chính vì vậy, để tránh những rủi ro này, người bệnh nên lựa chọn thực hiện tại nha khoa uy tín hoặc những bệnh viện lớn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người bệnh.
Trước khi tiến hành nhổ răng khôn, người bệnh cần trung thực với bác sĩ trong việc khai báo thông tin về sức khỏe, loại thuốc đang sử dụng cũng như chuẩn bị tâm lý thật tốt trong lúc nhổ đến thời điểm chăm sóc hậu phẫu.
Sau khi nhổ răng khôn
Sau khi đã hoàn tất việc nhổ răng khôn, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để vết thương mau lành, không gặp tình trạng viêm nhiễm:
- Cắn chặt miếng gạc để kiểm soát tình trạng chảy máu, hỗ trợ hình thành cục máu đông nhanh hơn. Trong 24 giờ đầu không nên súc miệng mạnh, điều này sẽ làm vỡ cục máu đông.
- Giảm sưng, giảm đau bằng cách uống thuốc kháng sinh, kháng viêm theo toa của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân có thể chườm đá vào vùng má phía ngoài ngay tại vị trí nhổ răng khôn. Khoảng 3 – 4 ngày sau, chườm nóng để tan máu bầm.
- Vấn đề vệ sinh răng miệng cần được đảm bảo mỗi ngày. Tuy nhiên, thao tác chải răng phải nhẹ nhàng, tránh chạm vào vết thương. Và trong khoảng 1 tuần đầu tiên, bệnh nhân không súc miệng bằng nước muối vì nước muối có đặc tính sát khuẩn cao, cản trở sự hình thành của các tế bào lành thương.
- Những ngày đầu tiên, nên ăn những món mềm, dễ nuốt và không cần nhai nhiều như cháo, bún, bánh canh, sữa chua, có thể bổ sung thêm các loại nước ép rau củ tăng cường sức đề kháng… Tuyệt đối tránh những đồ cứng, cay nóng để không gây kích thích đến vết thương.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh. Kiêng rượu bia và thuốc lá trong khoảng 5 – 7 ngày nhằm giúp vết thương không bị chảy máu, viêm nhiễm.
Nếu gặp phải các biến chứng khi nhổ răng khôn, người bệnh nên sớm đến nha khoa để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể và có biện pháp khắc phục kịp thời.
IV. Sau khi nhổ răng số 8 cần lưu ý những gì?
Sau khi nhổ răng khôn bác sĩ có lưu ý đến bệnh nhân về chế độ chăm sóc đúng cách như sau:
- Cắn chặt bông gạc trong 30 – 45 phút để cầm máu.
- Có thể thực hiện chườm lạnh vào những ngày đầu và chườm ấm vào những ngày kế tiếp để giảm sưng đau nhanh hơn.
- Uống thuốc giảm sưng đau đúng liều lượng, giờ giấc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc để tránh tác dụng phụ.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng nhọc để vết thương nhanh lành lại.
- Không hút thuốc lá, không dùng rượu bia, cà phê hay các chất kích thích có hại vì nó rất dễ gây viêm nhiễm, chảy máu kéo dài khiến vết thương lâu hồi phục hơn.
- Không khạc nhổ quá mạnh, không dùng tay hay vật sắc nhọn để chạm vào vị trí vừa nhổ răng.
- Uống nhiều nước lọc sau nhổ răng để hạn chế bị khô miệng và tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại sinh sôi.
- Ăn những thực phẩm mềm như cháo loãng, súp và uống sữa để không dùng lực nhai quá nhiều.
- Sau khi vết thương ổn định có thể ăn uống bình thường tuy nhiên thức ăn cần được thái nhỏ, chế biến mềm với đầy đủ dinh dưỡng.
- Hạn chế các đồ ăn ngọt nhiều đường, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các thực phẩm có tính axit cao.
- Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, hạn chế chạm vào vùng răng vừa nhổ.
- Có thể dùng nước ấm để súc miệng giúp xoa dịu cảm giác khó chịu.
- Sử dụng chỉ nha khoa sau các bữa ăn để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa còn tồn đọng một cách hiệu quả.
- Sau nhổ răng nếu có các triệu chứng bất thường như: đau nhức, sưng tấy, sốt, chảy máu liên tục cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ thăm khám để có cách khắc phục hiệu quả kịp thời.
Nếu còn thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ vào số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm nhổ răng:
Bài viết liên quan:
Trụ Implant Neodent xuất xứ từ đâu? Có đặc điểm gì nổi bật?
Trụ Implant Tekka – Tìm hiểu xuất xứ và ưu nhược điểm
Trụ Implant Hiossen Mỹ có tốt không? Có đặc điểm gì nổi bật?
Đặc điểm của trụ Implant Osstem Hàn Quốc và giá cả
Trồng răng trụ Implant DiO Hàn Quốc có tốt không?
Top 12 loại kem đánh răng trắng răng tốt nhất hiện nay