Nhiệt miệng mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng cảm giác đau rát lại khiến việc ăn uống, giao tiếp trở nên khó khăn. Tìm hiểu ngay cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày tại nhà thông qua bài viết dưới đây.
I. Cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày ngay tại nhà
Đặc trưng của nhiệt miệng là những vết tổn thương có dạng hình tròn hoặc bầu dục, có viền đỏ xung quanh và đáy phủ màu trắng xám. Vết nhiệt miệng có thể xảy ra trên môi, má, nướu, dưới lưỡi,…
Nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể xuất phát từ việc miệng bị tổn thương do té ngã, đánh răng mạnh tay; cơ thể thiếu chất dinh dưỡng (vitamin B, C, kẽm, sắt); hệ miễn dịch kém hoặc suy giảm chức năng gan,…
Nhiệt miệng thường kéo dài từ 7 – 10 ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong thời gian này người bệnh sẽ có cảm giác đau rát khó chịu, ăn uống bất tiện.
Dưới đây là một số mẹo trị nhiệt miệng an toàn, đơn giản tại nhà mà bạn có thể tham khảo thực hiện:
1. Sử dụng nước muối
Cách trị nhiệt miệng bằng nước muối được đánh giá là khá lành tính, hiệu quả vì nước muối có đặc tính sát khuẩn cao. Hòa tan 5 gram muối tinh với 230ml nước ấm rồi đem súc miệng hằng ngày. Bạn hãy cố gắng để nước muối trôi sâu vào cổ họng nhưng không được nuốt. Khoảng 15 – 30 giây thì nhổ ra và súc miệng lại với nước lọc.
Thực hiện với tần suất 2 – 3 lần/ngày giúp giảm đau ở vị trí lở miệng và nhanh làm khô vết thương. Trường hợp không thể ước lượng chính xác tỷ lệ muối và nước ấm để pha, bạn có thể mua nước muối sinh lý tại hiệu thuốc.
2. Dùng mật ong để trị nhiệt miệng
Từ xưa, mật ong đã được dùng như một phương thuốc để trị ho, bỏng, cải thiện bệnh vảy nến,… Và trong điều trị nhiệt miệng, mật ong cũng được sử dụng phổ biến vì nhờ vào tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, hạn chế sưng đỏ, bỏng rát ngay tại những vết nhiệt miệng.
Với mật ong điều trị nhiệt miệng, bạn có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bôi trực tiếp mật ong vào vết lở miệng với tần suất 4 – 5 lần/ngày. Hoặc bạn pha mật ong kết hợp với nước ấm, trà ấm uống hằng ngày, chú ý uống chậm, từ từ để dưỡng chất trong mật ong thẩm thấu vào vết nhiệt miệng giúp lành nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn mật ong với bột nghệ, khuấy đều để thành hỗn hợp sệt rồi đắp lên vết nhiệt miệng. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày để hiệu quả tốt hơn.
3. Dùng dầu dừa trị nhiệt miệng
Thành phần acid lauric tự nhiên trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn rất tốt, giúp giảm sưng đau và rút ngắn thời gian lành thương.
Dùng bông gòn hoặc bông tẩy trang thấm vào dầu dừa nguyên chất rồi bôi lên vết nhiệt miệng, để khoảng 3 – 5 phút rồi súc miệng lại với nước. Lưu ý, sau khi bôi dầu dừa cần hạn chế nuốt nước bọt để tránh tình trạng rửa trôi gây mất tác dụng. Với phương pháp này, thực hiện nhiều lần trong ngày sẽ giúp giảm đau rất tốt.
4. Sử dụng trà hoa cúc
Không chỉ có tác dụng thư giãn, an thần mà trà hoa cúc còn làm lành vết thương và giảm đau hiệu quả. Trà hoa cúc có chứa levomenol và azulene, 2 hoạt chất có tác dụng chống viêm và sát trùng.
Khi trị nhiệt miệng bằng trà hoa cúc, bạn lấy một túi trà đã được ngâm nở, đắp lên vị trí vết thương trong vài phút sẽ làm dịu cơn đau nhanh chóng. Hoặc cũng có thể pha trà hoa cúc với nước ấm rồi dùng súc miệng 3 – 4 lần/ngày. Đây là phương pháp an toàn và lành tính nên bạn cứ yên tâm thực hiện cho đến ngày nhiệt miệng khỏi hoàn toàn.
5. Sử dụng nước súc miệng chuyên dụng
Một số loại nước súc miệng chuyên dụng dành để điều trị nhiệt miệng sẽ giúp kiểm soát cơn đau, giảm nhẹ tình trạng viêm nhiễm trong miệng.
Lưu ý, dùng nước súc miệng điều trị nhiệt miệng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không kéo dài thời gian sử dụng nhằm tránh gây tác dụng phụ.
6. Sử dụng bã chè
Sau khi uống trà, bạn có thể giữ lại phần bã chè hoặc túi lọc chè để đắp trực tiếp lên vị trí vết thương, chất tanin trong lá chè có tác dụng chống viêm và giảm sưng tấy hiệu quả.
7. Bổ sung thêm vitamin
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt miệng là do cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, cụ thể là vitamin B9, B12, C, kẽm, sắt,…
Do đó, để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây viêm loét miệng và tăng sức đề kháng của cơ thể bạn cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin, acid folic, sắt có trong trứng cá, sữa đậu nành, cải xanh, rau chân vịt, ngũ cốc, gan gà,…
8. Sử dụng sữa chua
Đôi khi tình trạng nhiệt miệng xảy ra là do vi khuẩn HP hoặc người mắc bệnh viêm ruột. Trong sữa chua có chứa men vi sinh sống lactobacillus cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Vậy cho nên, ăn sữa chua mỗi ngày sau bữa ăn không chỉ cân bằng hệ vi sinh đường ruột mà còn giảm viêm lở miệng.
9. Uống bột sắn dây
Trong Đông y, bột sắn dây là bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị những tổn thương do nóng trong người gây ra. Trường hợp bị nhiệt miệng, pha 2 – 3 thìa bột sắn dây vào cốc nước ấm, khuấy đều rồi uống. Lượng bột sắn dây có thể điều chỉnh tùy thuộc vào sở thích của bạn.
Lưu ý, với những người đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, ung thư vú hoặc đang sử dụng thuốc methotrexate, tamoxifen thì không nên uống bột sắn dây.
10. Sử dụng giấm táo
Giấm táo có chứa axit axetic, thành phần giúp loại trừ vi khuẩn gây hại hiệu quả. Trị nhiệt miệng với giấm táo được thực hiện bằng cách pha 1 thìa giấm với 1 ly nước ấm, sau đó súc khoảng 30 – 45 giây thì nhổ bỏ và súc miệng lại bằng nước sạch. Thực hiện 2 – 3 lần trong ngày.
11. Sử dụng oxy già
Oxy già là dung dịch sát khuẩn có tác dụng làm sạch vết thương và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Khi bôi oxy già vào vết thương sẽ có hiện tượng sủi bọt trắng và cảm giác đau rát. Trị nhiệt miệng bằng phương pháp này được nhiều gia đình áp dụng.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của oxy già là có khả năng tiêu diệt bạch cầu, tổn thương các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Vì vậy mà ngày nay, với sự đa dạng trong phương pháp điều trị, việc chữa trị nhiệt miệng bằng oxy già không còn là giải pháp tối ưu.
12. Rau ngót chữa nhiệt miệng
Không chỉ giàu vitamin C, A, magie, sắt, canxi,… mà rau ngót còn có tính mát, thanh nhiệt cơ thể tốt. Điều trị nhiệt miệng bằng nguyên liệu này được thực hiện bằng cách dùng một nắm rau ngót rửa sạch và cho vào máy sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy nước. Tiếp theo thêm vào 2 thìa mật ong và khuấy đều.
Dùng tăm bông thấm hỗn hợp và chấm vào vết lở miệng. Giữ nguyên trong khoảng 2 – 3 phút rồi súc miệng lại với nước. Sự kết hợp giữa rau ngót và mật ong giúp kháng viêm tốt, cải thiện nhiệt miệng.
13. Sử dụng rau diếp cá
Rau diếp cá được sử dụng tương đối phổ biến trong Đông y với công dụng kháng viêm, thải độc, sát trùng. Đặc biệt, trong rau diếp cá còn chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên decanoyl-acetaldehyd giúp trị nhiệt miệng hiệu quả.
Lấy một nắm rau diếp cá rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên vết nhiệt miệng. Hoặc ép lấy nước và dùng súc miệng hằng ngày.
Lưu ý, những cách trị nhiệt miệng theo dân gian này tương đối an toàn nhưng để khỏi lập tức trong 1 ngày là điều không thể, chúng chỉ giúp giảm phần nào tình trạng đau rát. Còn việc khỏi hoàn toàn sẽ cần thời gian khoảng từ 3 – 5 ngày hoặc lâu hơn, phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người.
II. Cách phòng tránh nhiệt miệng hiệu quả
Nhiệt miệng mặc dù là bệnh lành tính, có thể tự lành nhưng nếu tái phát nhiều lần sẽ khiến người bệnh không tránh khỏi cảm giác đau đớn, bất tiện trong ăn uống. Một số biện pháp giúp kiểm soát tốt những yếu tố dẫn đến nhiệt miệng.
Để hạn chế những tổn thương ở miệng có thể xảy ra, bạn nên chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, ăn chậm nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói làm tăng nguy cơ cắn vào lưỡi, bên trong má.
Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng nhằm hạn chế sự tồn đọng, tích tụ của mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Khi tham gia thể thao hoặc các trò chơi vận động mạnh, nên đeo dụng cụ bảo vệ hàm giúp hạn chế những tổn thương ở miệng.
Luôn cân bằng chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt là tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B, kẽm, sắt,… có trong trứng, gan gà, ngũ cốc, rau chân vịt, súp lơ,…
Hạn chế những thực phẩm cay nóng hoặc có tính nóng. Không hút thuốc lá hay sử dụng rượu bia. Vì thuốc lá, rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ bị nhiệt miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giảm thiểu tình trạng ngủ muộn, thức khuya, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi bằng cách ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc, đọc sách hoặc ngâm nước nóng,… Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe của cơ thể.
Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần, giữ cho răng miệng sạch sẽ, loại bỏ môi trường trú ngụ của vi khuẩn và ngăn ngừa những bệnh lý răng miệng có thể xảy ra.
Cách trị nhiệt miệng trong 1 ngày bằng những mẹo dân gian giúp cơn đau rát được cải thiện đáng kể và vết lở cũng lành nhanh hơn. Lưu ý, trường hợp vết loét trong miệng ngày càng lan rộng không có dấu hiệu lành kèm theo sốt và phát ban, đau đầu, nên thăm khám tại bệnh viện. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ đến sốt hotline 0972 411 411 để được giải đáp thêm.
Xem thêm nhiệt miệng:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?