Khoang miệng là bộ phận đầu tiên của hệ thống tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không khí cũng như nhiều tác nhân khác từ phía ngoài. Đây là bộ phận đảm nhận rất nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Việc tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan đến cấu tạo khoang miệng: vị trí và chức năng của nó sẽ giúp mỗi người có thể chủ động chăm sóc bộ phận này, duy trì sức khỏe tốt hơn.
I. Vị trí của khoang miệng
Khoang miệng là bộ phận nằm tại vị trí phía dưới của khoang mũi. Đồng thời nó cũng được giới hạn bởi:
– Phía trước và trên là môi, má, khẩu cái.
– Phía dưới là sàn miệng.
– Phía sau là yết hầu.
Khoang miệng sẽ mở ra mặt thông qua khe miệng. Phía sau của khoang miệng sẽ thông với vùng hầu họng thông qua eo hầu họng (bao quanh bởi vòm miệng mềm và vòm hầu).
Một số xương cũng góp phần vào khung hình thành nên khoang miệng. Trong đó gồm có xương hàm trên, xương thái dương, xương khẩu cái được kết nối với nhau. Đối với xương bướm và xương móng sẽ riêng lẻ.
Cung răng sẽ chia khoang miệng thành 2 phần:
- Phía ngoài cung răng là hành lang miệng (tiền đình miệng).
- Phía trong cung răng là xoang miệng chính.
- Bên trong của khoang miệng sẽ liên tục được cung cấp độ ẩm bởi các tuyến nước bọt. Các tuyến này là tuyến mang tai, dưới hàm và dưới lưỡi. Chúng cũng tham gia vào quá trình tiêu hóa bằng cách tiết enzym phân hủy carbohydrate trong thức ăn.
II. Cấu tạo của khoang miệng
Xét về đặc điểm giải phẫu cấu tạo của khoang miệng sẽ bao gồm:
1. Môi
Môi được cấu tạo bởi các sợi cơ rải rác có mô đàn hồi, mô tuyến và nhiều dây thần kinh. Phủ bên ngoài là da và bên trong là niêm mạc.
Môi trên và môi dưới giao nhau tại 2 bên góc miệng. Tại đây sẽ có một nếp gấp mỏng khi khép miệng lại gọi là khóe miệng (khóe mép). Khóe miệng thường ở vị trí giống như răng nanh.
Tại môi sẽ có sự chuyển tiếp của vùng da bên ngoài và niêm mạc. Vùng chuyển tiếp này thường có màu đỏ và được gọi là vành môi. Ở trung tâm vành môi trên sẽ phồng lên tạo thành củ môi.
Từ củ môi sẽ có một rãnh rộng nông tiếp giáp thẳng lên vùng đáy mũi, phần này gọi là nhân trung.
Tại vị trí trung tâm của vành môi dưới có thể có rãnh mờ và gọi là rãnh môi cằm.
2. Má
Má sẽ được bao phủ bên ngoài bởi da và bên trong là niêm mạc má.
Vùng niêm mạc má sẽ khá nhẵn mịn, có màu hồng nhạt. Phía trên và dưới của niêm mạc má sẽ gập lại, tiếp giáp với vùng xương ổ răng tạo thành đáy hành lang miệng phía sau.
Niêm mạc má ở phía trước sẽ liên tục với phần niêm mạc môi.
Bên trên bề mặt của niêm mạc má trong sẽ hiện lên một đường trắng bởi sự in dấu ấn của mặt nhai các răng cối, đây được gọi là đường nhai.
Phía sau niêm mạc mạc tại vùng tương ứng với cổ răng số 6 hàm trên sẽ có một nốt nhỏ được gọi là gai mang tai (gai ống stenon), đây là nơi ống stenon mở ra trong miệng.
3. Đáy hành lang
Tại đường giữa của hàm trên và hàm dưới sẽ có một nếp gấp niêm mạc liền kề với vùng niêm mạc xương ổ răng với môi. Nếp gấp này khá mỏng, hình dạng lưỡi liềm thường được gọi là thắng môi. Trong đó thắng môi ở trên sẽ dày và to hơn so với thằng môi dưới.
Ở 2 bên của răng nanh và răng cối nhỏ ở hàm trên và dưới cũng có nếp gấp tương tự gọi là thắng bên. Trong đó thắng bên ở hàm dưới sẽ dày và to hơn so với hàm trên.
4. Răng, niêm mạc nướu răng và xương ổ
- Răng
Mỗi răng sẽ nằm trong xương ổ răng và được bảo vệ, cố định chắc chắn nhờ dây chằng nha chu.
Xét theo cấu tạo từ trên xuống dưới răng sẽ gồm 3 phần đó là: thân răng (vành răng), cổ răng và chân răng.
Giải phẫu sâu hơn cấu trúc của mỗi răng sẽ gồm 3 lớp riêng biệt đó là: men răng, ngà răng và tủy răng.
Trong cuộc đời mỗi người sẽ có 2 lần mọc răng: lần đầu là mọc răng sữa và lần cuối là mọc răng vĩnh viễn.
Hệ răng sữa hoàn thiện sẽ có tổng cộng 20 chiếc đều cho cả 2 hàm trên và dưới. Cụ thể sẽ có: 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm.
Số lượng răng vĩnh viễn ở người trưởng thành sẽ có 32 chiếc (tính cả răng khôn) chia đều ở 2 cung hàm. Cụ thể sẽ gồm có: 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng cối, 12 răng cối lớn đã bao gồm cả 4 chiếc răng khôn.
- Nướu (lợi)
Nướu là phần niêm mạc miệng che phủ xương ổ và bao quanh cổ răng.
Nướu được chia thành 2 vùng: vùng phía ngoài (nướu viền) và phía trong (nướu dính).
- Niêm mạc xương ổ răng
Niêm mạc xương ổ răng khá mỏng mịn, màu đỏ sậm, ôm sát theo những lồi lõm chân răng tạo ra ở bề mặt xương ổ.
5. Khẩu cái (vòm miệng)
Khẩu cái có dạng vòm cung được phủ bằng niêm mạc, bao gồm:
- Phần cứng tấm ngang xương khẩu cái có cấu tạo bằng xương
Niêm mạc khẩu cái cứng khá dày, màu hồng nhạt, bám chắc vào bề mặt xương bên dưới. Tại đường giữa phía sau 2 răng cửa giữa sẽ nổi lên một u thịt gọi là gai cửa (gai khẩu).
Từ gai cửa sẽ có 1 nếp gấp niêm mạc hẹp, thấp chạy dọc ra sau gọi là đường đan giữa khẩu cái. Từ đường này sẽ hiện ra các nếp gấp ngang được gọi là vân khẩu cái.
Quan sát kỹ sẽ thấy niêm mạc khẩu cái có các lỗ li ti như bóng nước bọt. Đây là lỗ của ống dẫn tuyến nước bọt phụ khẩu cái.
- Phần mềm hay màng khẩu cái cấu tạo bằng cân-cơ
Niêm mạc khẩu cái mềm khá mỏng mịn, màu đỏ sậm, nằm gần đường tiếp giáp vòm cứng. Bờ tự do của nó sẽ ở giữa và tạo thành lưỡi gà, 2 bên chẻ đôi tạo thành 2 trụ hầu.
Trụ trước gọi là cung khẩu lưỡi, trụ sau là cung khẩu hầu. Giữa 2 trụ sẽ có 1 mốc hình tam giác chứa hạch hạnh nhân. Phần xuống giữa màng hầu và 2 trụ hầu sẽ hình thành nên eo hầu. Nhờ đó khoang miệng sẽ thông với khẩu hầu.
6. Lưỡi
Lưỡi là khối cơ vân di động được bao phủ bởi niêm mạc sần sùi có màu hồng nhạt.
Bề mặt trên của lưỡi được chia thành 2 phần bởi dãy gai vị giác gồm 8 – 9 gai được xếp dạng hình chữ V với định quay vào trong.
Phía trước lưng lưỡi có 3 gai vị giác đó là:
- Gai chỉ: nhỏ, mỏng trông giống như sợi chỉ màu trắng.
- Nấm: tròn, màu đỏ tươi nằm lẫn lộn gai chỉ.
- Lá: nằm ở hai bên bờ lưỡi phía sau, tạo ra những nếp gấp không đều, song song với nhau.
Niêm mạc của lưỡi có nhiều lympho hay còn gọi là amidan lưỡi. Mặt dưới lưỡi được bao phủ bởi một lớp niêm mạc mỏng.
Tại đường giữa lưỡi có một nếp gấp niêm mạc gắn liền với sàn miệng gọi là thắng lưỡi.
Ở hai bên thắng lưỡi sẽ thấy hai u thịt với nếp gấp niêm mạc rất mỏng do cơ cằm lưỡi độn lên. Bên cạnh đó dưới lưỡi còn có các tĩnh mạch ngoằn ngoèo ở hai bên bụng lưỡi quan sát được bằng mắt thường.
7. Sàn miệng
Sàn miệng hay còn gọi là rãnh dưới lưỡi có dạng hình móng ngựa, nằm ở dưới phần đầu lưỡi trước và ở 2 bên của đáy lưỡi.
Phần đường giữa của sàn miệng có thắng lưỡi. 2 bên thắng lưỡi là tuyến dưới lưỡi sẽ nhô lên thành 2 dãy bên dưới lưỡi. Bề mặt của dãy dưới lưỡi có ống dẫn phụ (ống Rivinus) mở ra trong miệng.
Dãy dưới lưỡi sâu trong cùng gần thắng lưỡi gắn vào sàn miệng sẽ có gai nhỏ hay còn gọi là gai dưới lưỡi. Đây là nơi ống Wharton của tuyến dưới hàm hoặc ống Bartholin của tuyến dưới lưỡi mở ra trong miệng.
8. Tuyến nước bọt
Đặc điểm sinh lý của các tuyến nước bọt nói chung đó là sản xuất từ 0,5 – 1,5 lít nước bọt mỗi ngày. Thành phần của nước bọt chứa các enzym có chức năng quan trọng trong việc giữ ẩm khoang miệng, tiêu hóa, tạo điều kiện nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Tuyến nước bọt được phân loại thành các dạng: tuyến dưới lưỡi, tuyến dưới hàm và tuyến mang tai.
- Tuyến dưới lưỡi là tuyến nhỏ nhất, nằm dưới lưỡi, trên cơ hoành. Tuyến dưới lưỡi gồm nhiều tuyến nhỏ khác là tuyến nước bọt hỗn hợp. Các ống dưới lưỡi chính kết thúc ở phần dưới lưỡi và bắt nguồn từ phần trước của tuyến. Các ống dẫn dưới lưỡi ngắn hơn dẫn đến sàn khoang miệng.
- Tuyến dưới hàm nằm giữa cơ hai bên, trong tam giác dưới hàm. Tuyến dưới hàm: là tuyến nước bọt hỗn hợp, ống tiết là ống Wharton.
- Tuyến mang tai là tuyến lớn nhất nằm dưới ống tai dài, giữa ngành xương hàm dưới và cơ ức – đòn – chũm. Đây là tuyến nước bọt tiết thanh dịch. Ống tiết là ống Stenon, chạy ở mặt ngoài cơ cắn, đổ vào miệng ở mặt trong má tương ứng vị trí răng số 6,7 hàm trên.
9. Hệ thống bạch huyết của khoang miệng
Trong quá trình hô hấp, ăn uống vi khuẩn sẽ liên tục xâm nhập vào cơ thể.
Phần hầu họng chính là điểm mà vi khuẩn tấn công và dần xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể. Bộ phận này sẽ được bao quanh bởi các mô bạch huyết dưới dạng amidan (vòng amidan Waldeyer). Amidan giữ vai trò nhận biết các sinh vật có hại để loại bỏ chúng, tránh các nguy cơ tấn công sâu vào các cơ quan trong cơ thể.
Vòng amidan Waldeyer bao gồm:
- Amidan khẩu cái.
- Amidan lưỡi ở gốc lưỡi.
- Amidan ống quanh lỗ miệng của ống Eustachian.
- Amidan họng ở vùng họng.
III. Chức năng của khoang miệng
Khoang miệng là bộ phận không thể thiếu đối với cơ thể của mỗi người đảm nhận nhiều chức năng vô cùng quan trọng như:
1. Chức năng tiêu hóa
Miệng là bộ phận khởi đầu của hệ thống tiêu hóa. Mỗi một bộ phận trong khoang miệng đều có nhiệm vụ riêng biệt nhằm đảm bảo cho quá trình ăn nhai, cung cấp dinh dưỡng, tiêu hóa thức ăn diễn ra được thuận lợi, hiệu quả nhất.
Vùng môi, má sẽ giúp giữ cho thức ăn trong khoang miệng không bị rơi rớt ra ngoài.
Lưỡi sẽ giúp cảm nhận được mùi vị của món ăn. Đồng thời chuyển động một cách linh hoạt để đảo trộn thức ăn và hỗ trợ nuốt thức ăn vào trong hiệu quả.
Enzyme từ nước bọt sẽ thấm đều thức ăn giúp phân hủy carbohydrate thành đường.
Răng là bộ phận không thể thiếu trong quá trình ăn nhai, tiêu hóa thức ăn. Răng sẽ đảm nhận vai trò cắn xé, nhai nghiền thức ăn đủ nhỏ trước khi nuốt xuống dạ dày. Mỗi một nhóm răng sẽ có các chức năng như sau:
Răng cửa dùng để cắn thức ăn.
Răng nanh để xé thức ăn.
Răng hàm nhỏ và răng hàm lớn dùng để nghiền nát thức ăn.
Ở những người có hàm răng khỏe mạnh, chuẩn khớp cắn sẽ giúp ăn nhai hiệu quả, ngon miệng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất được nhịp nhàng và suôn sẻ hơn.
Đối với những bệnh nhân bị mất một hoặc nhiều răng hay hàm răng có sự sai lệch về khớp cắn sẽ khó có thể đảm nhận tốt chức năng ăn nhai. Từ đó gián tiếp gây ra các ảnh hưởng đến tiêu hóa, dễ phát sinh các bệnh lý ở dạ dày, đường ruột, hấp thụ dinh dưỡng kém, cơ thể suy nhược,….
2. Chức năng phát âm
Răng cùng với lưỡi, môi, hàm sẽ là các bộ phận quan trọng giúp định hình khả năng phát âm của mỗi người.
Khi răng đều đặn, đầy đủ, không có các vấn đề dị tật ở môi, lưỡi sẽ giúp cho việc phát âm được tròn vành, rõ chữ hơn.
Đối với những trường hợp trẻ bị mất răng sữa quá sớm có thể gây các ảnh hưởng xấu đến khả năng phát âm sau này, dễ gặp tính trạng nói ngọng hoặc phát âm không được chuẩn xác.
Người trưởng thành nếu bị mất răng, đặc biệt các nhóm răng cửa sẽ khó có thể nói đúng giọng, âm phát ra có thể bị sai lệch, việc học ngoại ngữ sẽ không thể hiệu quả.
Các trường hợp răng thưa, hở kẽ nhiều, răng mọc lệch lạc, sai khớp cắn quá nặng cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi phát âm. Luồng hơi đẩy từ trong miệng ra ngoài không đều khiến cho âm phát ra khó có thể chuẩn xác.
3. Chức năng hỗ trợ thăng bằng, thị giác và thính giác
Nếu như lưỡi, xương hàm hay các hệ thống thần kinh liên quan tại vùng răng hàm mặt không khỏe mạnh sẽ có thể gây ra áp lực lớn cho vùng nhãn cầu và các cơ hỗ trợ. Điều này sẽ gây hiện tượng mất thăng bằng, nhãn cầu và tai cũng hoạt động không được tốt như bình thường.
4. Chức năng hô hấp
Trong một số trường hợp nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý cảm cúm, ngạt mũi,…. khiến việc hô hấp bằng mũi khó khăn.
Khi đó, khoang miệng sẽ có thể đảm nhận được nhiệm vụ trao đổi khí phần nào cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, chỉ nên thở miệng trong các trường hợp bất khả kháng nếu mũi không thể hô hấp được. Bệnh nhân cần sớm chữa trị các vấn đề bệnh lý để có thể thở bằng mũi được bình thường.
Việc thở miệng thường xuyên và hình thành thói quen trong thời gian dài có thể gây các ảnh hưởng không tốt cho vùng miệng, họng, dễ gây khô miệng, viêm họng, viêm amidan,….
5. Chức năng thẩm mỹ, giao tiếp
Khoang miệng còn có vai trò quan trọng đối với thẩm mỹ và giao tiếp hằng ngày. Nếu như hàm răng khỏe mạnh, đều đặn, trắng sáng cùng với hơi thở thơm mát sẽ tạo được sự rạng rỡ khi nói cười, dễ gây thiện cảm với mọi người xung quanh hơn.
Ngược lại, với những người có hàm răng mọc sai lệch, xỉn màu và khoang miệng có mùi khó chịu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của gương mặt cũng như mất tự tin khi giao tiếp hằng ngày.
Có thể thấy khoang miệng giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi con người. Chính vì vậy, việc chăm sóc, vệ sinh khoang miệng, ăn uống hằng ngày cần phải chú ý kỹ lưỡng, đúng cách để tránh nguy cơ các tác nhân gây hại có thể tấn công và gây các vấn đề bệnh lý nghiêm trọng.
Đồng thời hãy dành thời gian đến các bệnh viện, nha khoa uy tín thăm khám, kiểm tra sức khỏe, răng miệng định kỳ. Điều này sẽ giúp tầm soát tốt hơn mọi vấn đề bệnh lý bất thường xảy ra và có biện pháp khắc phục dứt điểm, ngăn chặn biến chứng phát sinh.
Nếu vẫn còn có thắc mắc gì liên quan đến cấu tạo khoang miệng: vị trí và chức năng của nó. Hãy gọi ngay đến tổng đài 19007141 để được các chuyên gia giàu kinh nghiệm hỗ trợ tư vấn tận tình hoàn toàn miễn phí.
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?