Chảy máu nướu răng thường là dấu hiệu đầu tiên của các vấn đề răng miệng. Tuy nhiên nhiều người thường chủ quan bỏ qua, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn về sau. Cùng tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục thông qua bài viết dưới đây.
I. Nướu răng dễ chảy máu nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng chảy máu nướu răng, trong đó những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
1. Viêm nướu và viêm nha chu
Mảng bám sau khi ăn nếu không được làm sạch sẽ cứng lại thành cao răng. Vi khuẩn trong cao răng tiết ra độc tố, kích thích nướu.
Khi bị vi khuẩn tấn công, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách gửi các tế bào bạch cầu đến vùng bị viêm. Quá trình này làm cho nướu sưng đỏ, chảy máu.
Tình trạng viêm nướu không được điều trị sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào nướu, tạo thành các túi nha chu chứa đầy vi khuẩn và mủ, khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, có thể phá hủy xương ổ răng và làm răng lung lay gãy rụng.
2. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Lực chải răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải lông cứng sẽ làm xước nướu, gây chảy máu và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Ngoài ra, thói quen dùng tăm tre nhọn xỉa răng không chỉ làm tổn thương nướu mà còn làm thưa kẽ răng và mòn men răng.
3. Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai, kinh nguyệt hoặc mãn kinh có thể làm tăng tính nhạy cảm của nướu, khiến nướu dễ bị viêm và chảy máu.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc chống đông máu và kháng viêm không steroid (NSAIDs), có thể gây tác dụng phụ là chảy máu chân răng. Điều này xảy ra do các loại thuốc này làm giảm khả năng đông máu của cơ thể, khiến cho các vết thương, kể cả những vết thương nhỏ như khi đánh răng khó cầm máu hơn.
5. Thiếu vitamin
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu một số loại vitamin quan trọng như vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, vitamin K hỗ trợ quá trình đông máu, vitamin B3 duy trì sức khỏe của tế bào niêm mạc,…
6. Bệnh lý toàn thân
Các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy giảm miễn dịch có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, khiến nướu dễ bị viêm.
II. Nướu răng dễ chảy máu có nguy hiểm không?
Việc bỏ qua dấu hiệu chảy máu chân răng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.
1. Viêm nha chu
Vi khuẩn tích tụ trong mảng bám và cao răng gây kích ứng nướu, dẫn đến viêm. Nếu không được điều trị, viêm nhiễm sẽ lan sâu vào túi nha chu, phá hủy xương ổ răng và các mô liên kết.
Khi mắc bệnh viêm nha chu, ngoài hiện tượng chảy máu chân răng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau như: nướu đỏ, sưng đau, hơi thở có mùi hôi, răng lung lay, mủ chảy ra từ nướu,…
2. Áp xe
Vi khuẩn gây nhiễm trùng tấn công sâu vào các túi nha chu hình thành ổ mủ. Lúc này bệnh nhân bị đau nhức dữ dội, sưng nề vùng má, sốt, mệt mỏi,…
3. Mất răng
Viêm nha chu làm tiêu xương ổ răng và phá hủy các mô liên kết khác khiến răng yếu dần, lung lay và gãy rụng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt mà còn suy giảm chức năng nhai.
4. Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát
Vi khuẩn gây viêm nướu, viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ.
Bệnh viêm nha chu có thể làm lượng đường huyết tăng lên khó kiểm soát, khiến bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn chứng minh mối liên quan giữa viêm nha chu và sinh non, trẻ sinh nhẹ cân và các biến chứng thai kỳ khác.
III. Khắc phục chảy máu nướu răng như thế nào hiệu quả?
Chảy máu chân răng là dấu hiệu của nhiều vấn đề về răng miệng, chủ yếu là viêm nướu hoặc viêm nha chu. Để điều trị hiệu quả, bạn cần kết hợp cả các biện pháp tại nhà và điều trị chuyên sâu tại nha khoa.
1. Điều trị tại nhà
Súc miệng bằng nước muối ấm: Hỗn hợp này có tác dụng sát khuẩn nhẹ, làm sạch khoang miệng và giảm viêm.
Súc miệng bằng lá trà xanh: Chất chống oxy hóa trong lá trà xanh có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng viêm nướu hiệu quả. Bạn có thể hãm lá trà trong nước nóng khoảng 15 – 20 phút, sau đó để nguội và súc miệng 2 lần/ngày.
Sử dụng nha đam: Không chỉ có khả năng kháng viêm mà nha đam còn có tác dụng làm dịu và lành thương nhanh. Bạn có thể bôi trực tiếp gel nha đam tươi lên vùng nướu bị tổn thương rồi súc miệng lại với nước.
Lưu ý, các biện pháp dân gian tại nhà chỉ được xem là phương pháp hỗ trợ giúp giảm các triệu chứng khó chịu tạm thời, không thể thay thế cho việc điều trị chuyên nghiệp tại nha khoa.
2. Điều trị tại nha khoa
Thông qua khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, nha sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây chảy máu chân răng, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu tình trạng chảy máu chân răng do mảng bám, cao răng, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ hoàn toàn mảng bám, môi trường trú ngụ của vi khuẩn.
Trường hợp bệnh đã tiến triển thành viêm nha chu, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị gồm: cạo vôi răng, làm sạch túi nha chu, phẫu thuật ghép xương,…
IV. Cách phòng ngừa chảy máu nướu răng
Để bảo vệ sức khỏe răng nướu tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng chảy máu nướu răng, bạn nên áp dụng các phương pháp sau:
- Dùng bàn chải lông mềm, chải răng nhẹ nhàng trong khoảng 2 phút, đảm bảo các mặt của răng đều được làm sạch. Định kỳ 3 – 4 tháng, bạn nên thay mới bàn chải để đảm bảo hiệu quả làm sạch tốt nhất.
- Sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng. Việc dùng chỉ nha khoa hằng ngày giúp ngăn ngừa hình thành cao răng rất tốt.
- Nước muối ấm có tác dụng giảm viêm, làm sạch khoang miệng. Vì vậy, sau khi chải răng sạch sẽ bạn nên súc miệng lại bằng nước muối ấm.
- Uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, chất xơ. Đồng thời hạn chế đồ ngọt, nước ngọt có gas,…
- Thuốc lá làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của nướu vì vậy cần từ bỏ hút thuốc lá sớm.
- Khám nha sĩ 6 tháng/lần giúp phát hiện và khắc phục các vấn đề nhỏ trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chảy máu nướu răng hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa nếu bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 7141 hoặc đến trực tiếp Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn miễn phí.
Xem thêm nha chu viêm nướu:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?