Răng bé bị vàng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Răng bé bị vàng là tình trạng tương đối phổ biến, xảy ra do nhiều yếu tố như di truyền, chấn thương, chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng,… Việc xác định chính xác nguyên nhân gây vàng răng ở bé sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả và phòng ngừa đúng cách.

Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh tình trạng răng bé bị vàng
Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh tình trạng răng bé bị vàng

I. Nguyên nhân răng bé bị vàng

Răng xỉn màu là hiện tượng răng chuyển từ màu trắng ngà sang màu vàng hoặc nâu. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể:

1. Do di truyền khi mang thai

Đặc điểm xỉn màu răng ở trẻ có thể di truyền từ bố mẹ. Sự khác biệt về gen sẽ ảnh hưởng đến màu răng cũng như quyết định đến độ xốp của men răng. Men răng càng xốp thì khả năng ngấm màu thực phẩm sẽ càng cao, từ đó dễ gây tình trạng ố vàng.

Ngoài ra, trong thời điểm mang thai nếu mẹ bầu không may mắc bệnh phải sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh tetracycline sẽ ảnh hưởng đến độ chắc khỏe và màu sắc men răng của con sau này. Tùy vào liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc mà mức độ ảnh hưởng ở trẻ có thể nhiều hoặc ít.

2. Do nhiễm fluor

Fluor đóng vai trò quan trọng trong việc giúp men răng cứng chắc, ức chế quá trình hoạt động của vi khuẩn làm hại men răng, ngăn ngừa sâu răng.

Tuy nhiên, khi quá nhiều fluor sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến men răng đổi màu. Việc thừa fluor xảy ra khi trẻ tiêu thụ các loại đồ uống chứa nhiều fluor hoặc sử dụng những loại kem đánh răng có chứa nồng độ fluor cao. Đây cũng là lý do mà các chuyên gia nha khoa luôn khuyên không nên cho trẻ em sử dụng chung kem đánh răng với người lớn, thay vào đó nên chọn loại phù hợp với độ tuổi.

Nhiễm fluor là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng
Nhiễm fluor là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng

3. Do chấn thương

Tai nạn té ngã, va đập đôi khi sẽ khiến quá trình hình thành men răng bị rối loạn. Hệ thống mạch máu xung quanh răng bị tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động của răng dẫn đến hiện tượng đổi màu răng.

4. Do sử dụng một số loại thuốc

Trẻ mắc bệnh phải sử dụng thuốc kháng sinh tetracycline điều trị sẽ rất dễ gặp phải tình trạng răng ố vàng, xỉn màu. Tetracycline là một kháng sinh phổ rộng, khi kết hợp với canxi trong cơ thể sẽ làm hỏng men răng, khiến răng chuyển sang màu vàng, xám hoặc nâu. Và tùy vào thời gian sử dụng mà mức độ răng xỉn màu sẽ khác nhau.

Sử dụng thuốc tetracycline khiến răng ố vàng
Sử dụng thuốc tetracycline khiến răng ố vàng

5. Do mắc một số bệnh

Tình trạng răng ố vàng của con có thể liên quan đến bệnh lý về gan hoặc thận, nhất là bệnh viêm gan, vàng da. Trường hợp nếu thấy răng của trẻ bị vàng kèm theo một số biểu hiện đi kèm như da vàng, lười ăn,… thì nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

6. Do vệ sinh răng miệng không đúng cách

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng vàng răng ở trẻ. Trẻ nhỏ rất thích ăn bánh kẹo ngọt, socola, kem, nước ngọt,… Những thực phẩm này chứa một lượng đường rất lớn, nếu không chải răng sạch sẽ, vi khuẩn sẽ chuyển hóa đường thành axit phá hủy men răng hình thành những lỗ sâu. Những lỗ sâu li ti này sẽ khiến răng chuyển sang màu nâu hoặc đen.

Ngoài ra, chải răng không đúng cách còn tăng nguy cơ hình thành mảng bám, cao răng. Mảng bám trên răng nếu không được loại bỏ sẽ khiến răng bị ngả vàng và dễ mắc bệnh lý.

II. Răng trẻ bị vàng có ảnh hưởng gì không?

Về mặt thẩm mỹ, răng ố vàng sẽ khiến nụ cười của trẻ kém xinh xắn hơn. Mặc dù đa phần lứa tuổi này vẫn chưa để ý nhiều đến ngoại hình nhưng bố mẹ cũng cần quan tâm con nhiều hơn.

Răng bị vàng khiến nụ cười của trẻ trở nên kém xinh
Răng bị vàng khiến nụ cười của trẻ trở nên kém xinh

Mặt khác, như đã đề cập ở phần đầu, răng ố vàng có thể xuất phát từ bệnh lý sâu răng hoặc vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bám tích tụ.

Nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn nên không cần chăm sóc nhiều. Tuy nhiên đây là quan niệm hết sức sai lầm. Những chiếc răng sữa giữ vai trò ăn nhai quan trọng và giúp con học nói tốt hơn.

Đặc biệt, răng sữa còn định hình cung hàm, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Nếu răng sữa bị tổn thương nhưng không được điều trị kịp thời, rụng trước thời điểm thay răng thì răng vĩnh viễn mọc lên sẽ có xu hướng mọc lệch, khấp khểnh.

III. Cách chữa răng trẻ bị vàng theo từng độ tuổi

Trẻ bị vàng răng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Và tùy thuộc vào từng độ tuổi mà sẽ có phương pháp chữa trị khác nhau.

1. Trẻ từ 0 – 1 tuổi

Trung bình khoảng 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Và giai đoạn dưới 1 tuổi, trẻ sẽ có khoảng từ 2 – 4 chiếc răng.

Mặc dù giai đoạn này việc ăn nhai không nhiều nhưng bố mẹ vẫn cần vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng cho con bằng cách sử dụng khăn xô mềm hoặc dụng cụ rơ lưỡi thấm nước và chà sạch.

Lưu ý, đây là thời điểm tương đối nhạy cảm, hệ miễn dịch của con còn non nớt, chưa hoàn thiện và răng cũng đang trong giai đoạn phát triển nên phụ huynh tuyệt đối không tự ý áp dụng bất kỳ mẹo hay phương pháp làm trắng răng nào cho con khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Dùng khăn xô mềm vệ sinh răng và nướu cho con
Dùng khăn xô mềm vệ sinh răng và nướu cho con

2. Trẻ từ 1 – 5 tuổi

Đây là độ tuổi mà răng sữa của trẻ đã mọc lên hoàn thiện và bắt đầu ăn nhai được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, tình trạng vàng răng tương đối phổ biến ở độ tuổi này. Lời khuyên cải thiện tình trạng vàng răng cho trẻ từ chuyên gia nha khoa là:

  • Hạn chế thực phẩm ngọt và bám màu: Bánh kẹo chứa phẩm màu hóa học, nước ngọt, soda,… không chỉ khiến răng bé ố vàng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Vệ sinh răng miệng đều đặn: Hướng dẫn con chải răng đúng cách và đều đặn 2 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Lưu ý, nên chọn loại kem đánh răng dành cho lứa tuổi trẻ em, tránh trường hợp thừa fluor. Và bàn chải cũng chọn loại lông mềm, kích thước phù hợp.
Hình thành cho con thói quen chải răng hằng ngày
Hình thành cho con thói quen chải răng hằng ngày
  • Không tùy tiện thực hiện các phương pháp tẩy trắng răng theo mẹo dân gian: Nhiều phụ huynh suy nghĩ đến việc làm trắng răng cho con bằng giấm, chanh, cà chua,… Lưu ý, điều này có thể khiến men răng bị tổn thương nghiêm trọng, làm răng ố vàng nhanh hơn.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ: Là điều cần thiết để có một sức khỏe răng miệng tốt. Trường hợp nếu trẻ vàng răng do mảng bám, bác sĩ sẽ cạo vôi răng hoặc trám răng trong trường hợp răng ố vàng do sâu răng.

3. Trẻ từ 6 – 10 tuổi

Trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn nên giai đoạn này sức đề kháng răng tương đối yếu. Việc tác động bằng các công nghệ tẩy trắng hoặc mẹo tẩy trắng dân gian sẽ khiến men răng bị tổn thương vĩnh viễn.

Vì vậy mà giai đoạn trẻ 6 – 10 tuổi, bố mẹ chỉ cần hướng dẫn con chú ý hơn đến việc vệ sinh răng miệng hằng ngày cũng như hạn chế tiêu thụ những thực phẩm nhiều đường, sẫm màu.

4. Trẻ trên 11 tuổi

Đa phần đến tuổi này, trẻ đã thay gần như đầy đủ răng vĩnh viễn. Do đó mà việc ăn uống và chăm sóc răng miệng hằng ngày cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa.

Trường hợp trẻ đã thay răng vĩnh viễn nhưng vẫn gặp tình trạng vàng răng, bố mẹ nên đưa con đến nha khoa để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, nếu răng vĩnh viễn bị vàng do sâu răng, bác sĩ sẽ thực hiện trám răng bằng vật liệu composite.

Trám răng nếu răng bé bị vàng do sâu răng
Trám răng nếu răng bé bị vàng do sâu răng

IV. Răng trẻ bị vàng có tẩy trắng răng được không?

Tẩy trắng răng là phương pháp sử dụng các chất oxy hóa và năng lượng ánh sáng để tạo ra phản ứng oxy hóa, cắt đứt các chuỗi phân tử màu, giúp răng trắng hơn so với ban đầu.

Trường hợp trẻ em vàng răng dưới 16 tuổi không nên thực hiện tẩy trắng. Vì lúc này men răng của trẻ vẫn còn đang phát triển, chưa ổn định hoàn toàn nên các hoạt chất có trong thuốc tẩy trắng sẽ khiến răng bị kích thích trở nên nhạy cảm, ê buốt, thậm chí là viêm tủy.

Ngoài ra, các mẹo tẩy trắng tại nhà bằng giấm, chanh, baking soda,… trẻ cũng không nên thực hiện vì có khả năng sẽ gây tác dụng ngược khiến men răng tổn thương và làm trầm trọng thêm tình trạng răng ố vàng.

V. Cách phòng tránh hiện tượng răng ố vàng ở trẻ

Để ngăn ngừa tình trạng răng ố vàng ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Chăm sóc bảo vệ răng ngay khi đang mang thai

Sức khỏe của mẹ trong giai đoạn mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của con, trong đó có cả sức khỏe răng miệng. Vì vậy mà trong suốt thai kỳ, mẹ nên chú trọng cân bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung những thực phẩm giàu canxi, fluor, vitamin D, B,…

Trường hợp cần điều trị bệnh, nên cân nhắc, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, nhất là tetracycline.

Mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng
Mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng

2. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho con

Nhu cầu dinh dưỡng của con sẽ ngày một gia tăng theo độ tuổi phát triển. Chính vì vậy mà phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng với những dưỡng chất cần thiết như canxi, vitamin A, D, B, C, magie, sắt, chất xơ,… có trong thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả, rau xanh,…

Hạn chế con dùng những thực phẩm nhiều đường và thức ăn nhanh như bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem, khoai tây chiên,… Những thực phẩm này không chỉ gây vàng răng mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu.

3. Dạy con chải răng đúng cách

Tập cho con thói quen chải răng ít nhất 2 lần/ngày, chải nhẹ tay bằng bàn chải lông mềm. Và trong mỗi lần chải, cần dành ra ít nhất 2 phút để đảm bảo không chiếc răng nào bị bỏ sót.

Hướng dẫn con sử dụng chỉ nha khoa làm sạch vụn thức ăn thừa và mảng bám trong kẽ răng. Kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý nhằm giúp răng chắc khỏe, loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng.

4. Thăm khám nha khoa định kỳ

Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa 6 tháng/lần giúp răng miệng luôn sạch sẽ, thơm tho và kịp thời xử lý những bệnh lý về răng có thể xảy ra.

Việc thăm khám thường xuyên ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp con khắc phục nỗi sợ nha khoa và hình thành thói quen chăm sóc răng miệng tốt hơn khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa định kỳ cho con
Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa định kỳ cho con

Như vậy, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa răng bé bị vàng như thế nào đã được chia sẻ chi tiết trên bài viết. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng liên hệ đến số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Xem thêm chăm sóc răng miệng:

Xem thêm răng miệng trẻ em:

Xem thêm bệnh răng miệng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *