Răng cửa bị hở hay còn gọi là răng cửa thưa là tình trạng các răng cửa không sát khít vào nhau, tạo thành các khoảng hở gây mất thẩm mỹ. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này và phương pháp khắc phục.
I. Nguyên nhân răng cửa bị hở
Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng răng cửa bị hở, cơ bản nhất là:
✦ Do mất cân đối giữa kích cỡ răng và cung hàm: Khi các răng quá nhỏ so với độ rộng của cung hàm, chúng sẽ không thể lắp đầy các khoảng trống khiến cho các răng thưa nhau.
✦ Thiếu mầm răng vĩnh viễn hoặc mọc ngầm: Khi cung hàm không đủ răng, các răng bên cạnh có xu hướng đổ nghiêng vào vị trí răng bị thiếu khuyết, dẫn đến tình trạng hở răng cửa.
✦ Do răng bị vẩu hoặc mọc chìa: Khi một hoặc cả hai chiếc răng cửa mọc lệch lạc, chìa ra bên ngoài, thế mọc này có thể làm cho chúng bị thưa nhau. Bệnh nhân không bị chìa vẩu có thể loại trừ nguyên nhân này.
✦ Do bệnh lý răng miệng: Các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, tụt nướu, mòn cổ răng… cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thưa răng cửa.
II. Cách điều trị răng cửa bị hở
Tình trạng thưa, hở răng cửa có thể khắc phục bằng các biện pháp chuyên khoa. Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát sức khỏe răng miệng của bạn, chụp X – Quang nha khoa nếu cần thiết.
Từ các kết quả thăm khám và kích thước khoảng hở giữa các răng cửa, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân, lập kế hoạch điều trị phù hợp và tư vấn cụ thể cho bệnh nhân.
Các giải pháp khắc phục tình trạng răng cửa thưa, hở kẻ thường được chỉ định là trám răng, bọc răng sứ và niềng răng.
1. Trám răng cửa bị hở
Trường hợp khoảng hở giữa hai răng cửa không quá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng. Vật liệu trám sẽ được đắp thêm vào các răng liên quan, giúp chúng được sát khít vào nhau.
Ưu điểm:
– Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ khoảng 10 – 15 phút cho mỗi vị trí trám.
– Ít xâm lấn đến cấu trúc răng thật.
– Chi phí thấp, chỉ khoảng 400.000 đồng mỗi răng (giá Nha khoa Đông Nam).
– Giá trị thẩm mỹ tương đối cao, miếng trám có màu sắc hệt như răng thật.
Hạn chế:
– Thời gian sử dụng tương đối ngắn, chỉ khoảng 2 – 3 năm.
– Khả năng chịu lực không cao, miếng trám dễ bị bong tróc, bung bật khi ăn nhai với lực mạnh.
Cũng cần lưu ý rằng, sau khi trám, kích thước của các răng cửa sẽ tăng lên một lượng nhất định. Do đó, với các khoảng hở lớn, bác sĩ thường không chỉ định trám răng để tránh trường hợp các răng cửa trở nên quá to.
2. Bọc răng sứ cho răng cửa bị hở
Bọc răng sứ là một kỹ thuật nha khoa cho phép điều chỉnh hình dạng, kích thước, màu sắc của các răng chỉ trong một thời gian ngắn, thường chỉ khoảng 2 – 4 ngày. Bác sĩ sẽ mài đi một bộ phận men răng bên ngoài các răng cần bọc sứ. Sau đó gắn cố định mão răng sứ lên trên.
Đối với bệnh nhân có răng cửa thưa, hở kẽ, sau khi bọc răng sứ khoảng hở giữa các răng sẽ biến mất. Trong trường hợp này, số lượng các răng cần bọc sứ thường là 2 – 6 răng.
Việc xác định số lượng răng cần bọc sứ phụ thuộc vào kích thước khoảng hở và tình trạng răng miệng cụ thể của bệnh nhân. Với các khoảng hở nhỏ, bạn có thể chỉ bọc sứ cho 2 răng liên quan. Trong đa số các trường hợp còn lại, bác sĩ thường khuyên bạn nên bọc sứ cho 4 – 6 răng để có được kết quả phục hình tối ưu nhất.
Ưu điểm:
– Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ khoảng 2 – 4 ngày.
– Chi phí tương đối hợp lý, khoảng 1.000.000 – 7.000.000 đồng mỗi răng (giá Nha khoa Đông Nam).
– Thời gian sử dụng lâu dài, trung bình khoảng 8 – 10 năm hoặc hơn.
– Khả năng chịu lực ăn nhai cao.
Hạn chế: Cần phải mài chỉnh răng thật.
Kỹ thuật bọc răng sứ đòi hỏi phải mài chỉnh các răng thật để tạo mặt tiếp xúc tối ưu giữa chúng và mão răng sứ. Nhờ đó, răng sứ được bọc sát khít với trụ răng và không gây cộm cấn cho bệnh nhân.
⇒ Răng sứ sẽ bao bọc, bảo vệ toàn diện cho răng thật ở bên trong khỏi sự tấn công của vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác. Do đó, bạn có thể an tâm, nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, tuổi thọ của các răng được bọc sứ gần như không bị ảnh hưởng.
Thậm chí, đối với các răng bị mẻ, gãy, vỡ, chết tủy, mòn men… bọc răng sứ còn giúp tăng thời gian lưu giữ răng.
Nếu lo lắng về vấn đề mài răng, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng mặt dán sứ. Trong kỹ thuật này, bác sĩ chỉ mài đi một lớp men răng rất mỏng ở mặt ngoài của răng, sau đó gắn cố định mặt dán sứ lên trên.
3. Niềng răng cửa bị hở
Ưu điểm lớn nhất của niềng răng là không làm mất đi hình dạng tự nhiên của răng. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để kéo các răng sát khít vào nhau.
Ưu điểm:
– Ít xâm lấn đến cấu trúc răng.
– Không làm mất đi hình dạng tự nhiên của răng.
– Hiệu quả phục hình có thể duy trì cả đời nếu có biện pháp duy trì phù hợp.
Hạn chế:
– Chi phí tương đối cao.
– Thời gian thực hiện khá dài, khoảng 18 – 30 tháng.
– Việc vệ sinh dụng cụ niềng răng khá phức tạp.
– Bệnh nhân phải đến nha khoa để kiểm tra định kỳ.
Độ tuổi tốt nhất để niềng răng là từ 12 – 15 tuổi. Ở độ tuổi này, các răng vĩnh viễn đã mọc gần như đầy đủ (không tính răng khôn) và xương hàm còn dễ nắn chỉnh. Bệnh nhân thuộc nhóm tuổi này thường chỉ cần đeo niềng răng trong khoảng 12 – 24 tháng là đã có được hiệu quả phục hình răng như mong đợi.
Người trưởng thành vẫn có thể niềng răng, nhưng thường mất nhiều thời gian hơn vì xương hàm đã cứng chắc, khó kéo chỉnh.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng cửa bị hở và các điều trị. Nếu cần được tư vấn thêm, bạn vui lòng đến trực tiếp Nha khoa Đông Nam để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn miễn phí.
Xem thêm:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?