Răng nhai bị lung lay thường là “điềm báo” của việc mất răng. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cho răng nhai bị lung lay và biện pháp khắc phục.
1. Nguyên nhân làm cho răng nhai bị lung lay
Khi các răng nhai bị lung lay, việc nhai, nghiền thức ăn sẽ trở nên khó khăn hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và đời sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Các răng nhai có thể bị lung lay vì nhiều lí do khác nhau. Thường gặp nhất là:
a) Do bệnh nha chu – viêm nướu
Bệnh nha chu nếu không được điều trị kịp thời có thể làm cho các mô nha chu – gồm nướu, dây chằng, cement và xương ổ răng, bị tổn thương và tiêu dần đi, lâu dài sẽ làm cho răng lung lay.
Răng bị lung lay do bệnh nha chu, viêm nướu thường đi kèm với triệu chứng dưới đây:
– Nướu răng bị sưng đỏ, mềm.
– Nướu răng đổi sang màu tím thẫm hoặc đỏ thẫm.
– Nướu răng nhạy cảm hơn bình thường, dễ chảy máu khi gặp kích thích.
– Có mủ chảy ra ở giữa răng và nướu.
– Áp xe răng.
– Tụt nướu.
– Hôi miệng.
Khi răng, nướu có các triệu chứng trên, bạn nên đến nha khoa để các bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp.
b) Do bệnh sâu răng – viêm tủy
Các bệnh lý về tủy đa phần bắt nguồn từ các tổn thương trên bề mặt răng, trong đó có sâu răng. Không chỉ gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân, bệnh còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm chóp răng, áp xe chân răng, viêm nha chu… khiến răng lung lay và rụng đi.
Răng bị sâu, viêm tủy thường có các triệu chứng như:
– Có các lỗ sâu màu xám hoặc đen trên bề mặt răng.
– Răng bị đau buốt khi ăn uống, va chạm.
– Răng bị đau nhói kể cả khi không bị kích thích, đau nhiều hơn vào ban đêm.
– Áp xe chân răng.
c) Do ảnh hưởng của tiêu xương hàm
Sau khi mất răng, vùng xương hàm tại vị trí răng mất không còn nhận được áp lực và kích thích từ hoạt động ăn nhai của răng sẽ thoái hóa và tiêu dần đi.
Sự suy giảm kích thước xương hàm sẽ khiến các răng kế cận không thể đứng vững và đổ nghiêng vào khoảng mất răng. Lâu dài, chúng sẽ bị lung lay và rụng đi.
d) Do răng bị chấn thương, va đập mạnh
Răng cũng có thể bị lung lay khi bị tác động mạnh bởi ngoại lực do va đập, té ngã, nhai cắn với lực mạnh…
e) Răng lung lay do sinh lý
Trong một số trường hợp, các răng nhai cũng có thể lung lay do ảnh hưởng của các yếu tố sinh lý như thay đổi nội tiết, tuổi tác…
2. Cách khắc phục tình trạng răng nhai bị lung lay
Việc xác định phương pháp khắc phục tình trạng lung lay răng nhai phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh.
a) Trường hợp răng nhai bị lung lay do bệnh lý
Trong trường hợp này, căn cứ vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Răng nhai bị lung lay do viêm tủy sẽ được chữa tủy, đóng chốt răng và bọc sứ để phục hình. Nếu thân răng bị hư hại quá nặng, không còn đủ kích thước để bọc sứ, kỹ thuật bọc răng sứ có cùi giả sẽ được thực hiện.
Trường hợp răng nhai bị lung lay do viêm nha chu, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các mảng bám, vôi răng ở cả trên và dưới nướu, nạo sạch ổ mủ (nếu có), nếu cần thiết sẽ ghép thêm vạt nướu, xương ổ răng để hỗ trợ cho sự tái tạo và hồi phục của các mô nha chu.
b) Trường hợp răng nhai bị lung lay do tác động của ngoại lực
Trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp cố định răng để giúp chúng cứng chắc như ban đầu.
Nếu răng bị chấn thương quá nặng, không thể điều trị được nữa, bác sĩ buộc phải loại bỏ răng và tư vấn cho bệnh nhân biện pháp trồng răng lại phù hợp, thường là: răng giả tháo lắp, cầu răng sứ và cấy ghép Implant.
Video Các phương pháp trồng răng giả hiện nay
Trên thực tế, việc xác định các phương pháp khắc phục tình trạng lung lay răng nhai phụ thuộc nhiều vào tình trạng răng miệng cụ thể của bệnh nhân. Do đó, khi gặp phải tình trạng này, bạn nên đến nha khoa để bác sĩ thăm khám và có biện pháp khắc phục phù hợp.
Xem thêm:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?