Răng sữa và răng vĩnh viễn là 2 hệ răng hoàn toàn khác nhau nhưng lại không dễ dàng phân biệt. Vậy để biết chúng có quan hệ gì cũng như cách phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn ra sao, cùng theo dõi bài viết dưới đây.
I. Răng sữa là gì?
Răng sữa là những chiếc răng mọc lên đầu tiên ngay trong giai đoạn trẻ còn đang bú mẹ. Thông thường, thời gian mọc răng sữa sẽ bắt đầu khoảng 5 – 6 tháng tuổi và kết thúc khi trẻ được 3 tuổi. Những chiếc răng sữa mọc lần lượt, bắt đầu từ nhóm răng cửa, răng hàm đầu tiên, răng nanh và cuối cùng là răng hàm thứ 2.
Lưu ý, do sự khác nhau về thể chất mà một số bé 4, 5 tháng đã mọc răng sữa nhưng cũng có bé muộn hơn, khoảng 1 tuổi thì những chiếc răng sữa đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện.
II. Răng vĩnh viễn là gì?
Răng vĩnh viễn là những chiếc răng mọc lên để thay thế cho răng sữa đã rụng đi. Răng vĩnh viễn là hệ răng đảm nhiệm chức năng thẩm mỹ và ăn nhai của chúng ta trong suốt cuộc đời. Chính vì vậy mà một bộ răng vĩnh viễn đầy đủ, khỏe mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng với tâm lý và sức khỏe của mỗi người.
III. Cách phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn
Bạn có thể dựa vào những yếu tố dưới đây để phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn:
- Số lượng răng
Số lượng răng sữa sau khi mọc hoàn tất sẽ có 20 cái bao gồm: 4 răng cửa giữa sữa, 4 răng cửa bên sữa, 4 răng nanh sữa và 8 răng cối sữa.
Còn ở hệ răng vĩnh viễn mỗi người sẽ có 28 – 32 chiếc răng bao gồm: 4 răng cửa giữa, 4 răng cửa bên, 4 răng nanh, 8 răng cối nhỏ và 8 – 12 răng cối lớn.
- Về màu sắc
Răng sữa thường có màu trắng đục còn răng vĩnh viễn lại trong hơn và hơi ngả sang màu vàng. Sở dĩ có điều này là do thành phần vô cơ trong răng sữa ít hơn so với răng vĩnh viễn.
- Về cấu trúc men răng và ngà răng
Ở răng sữa, lớp men răng và ngà răng thường rất mỏng. Đặc biệt là phần men răng chỉ khoảng 1mm trong khi lớp men răng ở răng vĩnh viễn là 2mm – 3mm.
Đặc biệt, tế bào ngà răng sữa có độ cứng kém, không có dây thần kinh cảm giác và buồng tủy lớn, Vì vậy mà răng sữa có tỷ lệ sâu răng cao hơn. Và khi bị sâu răng, tốc độ tiến triển diễn ra tương đối nhanh chóng.
- Về hình dáng
Thân răng sữa trông “mập’ hơn so với răng vĩnh viễn vì răng sữa có tỷ lệ chiều ngang lớn hơn so với chiều cao của thân răng. Ngoài ra, chân răng hàm sữa thường không thẳng như chân răng hàm vĩnh viễn mà có xu hướng dang rộng. Chân răng hàm sữa tách nhau gần ở cổ răng, càng về phía chóp thì càng tách xa.
IV. Răng vĩnh viễn mọc khi nào?
Thông thường, bắt đầu từ khoảng 5 – 6 tuổi, trẻ bắt đầu thay răng. Dưới áp lực của răng vĩnh viễn bên dưới mà chân răng sữa sẽ tiêu dần, lung lay và rụng đi, nhường chỗ cho răng vĩnh viễn trồi lên. Các răng vĩnh viễn sẽ mọc ngay vị trí mà chiếc răng sữa vừa rụng.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp chiếc răng vĩnh viễn mọc lên nhưng răng sữa lại không rụng. Lúc này cần đưa con đến gặp nha sĩ để nhổ bỏ chiếc răng sữa này, đảm bảo răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Quá trình thay răng vĩnh viễn sẽ hoàn tất khi con được 10 – 12 tuổi.
V. Răng vĩnh viễn có mọc lại không?
Giống như tên gọi của mình, răng vĩnh viễn là hệ răng sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời. Nghĩa là khi răng vĩnh viễn bị rụng đi vì một nguyên nhân nào đó thì không thể mọc lại. Lúc này, khả năng ăn nhai sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do đó, để đảm bảo có một hàm răng khỏe mạnh, sử dụng được lâu dài, bạn cần chú ý hơn đến quá trình vệ sinh, chăm sóc răng miệng hằng ngày.
- Cần duy trì thói quen chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, canxi và khoáng chất có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây. Hạn chế thức ăn nhanh, nước ngọt, thực phẩm nhiều đường và tinh bột.
- Cạo vôi răng và kiểm tra răng miệng định kỳ 3 – 6 tháng/lần giúp kiểm soát tốt tình trạng răng miệng, kịp thời xử lý những vấn đề có thể xảy ra.
Mất răng mặc dù không thể mọc lại. Thế nhưng với sự phát triển của ngành nha khoa hiện đại, bạn có thể phục hình lại chiếc răng mất bằng nhiều phương pháp. Đặc biệt, với kỹ thuật cấy ghép Implant, có thể tái tạo lại chiếc răng mới một cách hoàn hảo với đầy đủ thân răng và chân răng, cho thẩm mỹ và ăn nhai không khác gì răng thật.
VI. Mối liên hệ giữa răng sữa và răng vĩnh viễn
Răng sữa và răng vĩnh viễn mặc dù là hai hệ răng khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sự tồn tại của răng sữa không chỉ đảm bảo ăn nhai, thẩm mỹ trong những năm tháng đầu đời của trẻ mà còn có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ sau này.
Nếu 1 hoặc 1 vài chiếc răng sữa của trẻ mất sớm khi chưa đến thời điểm thay răng, những chiếc răng sữa bên cạnh có xu hướng nghiêng đổ vào khoảng trống, khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ không đủ chỗ dẫn đến tình trạng mọc lệch, khấp khểnh.
Như vậy, để phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn bạn có thể dựa vào những yếu tố như thời điểm mọc răng, số lượng, hình dáng và màu sắc của răng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ vào số hotline 0972 411 411 hoặc đến trực tiếp tại Nha khoa Đông Nam để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Xem thêm giải phẫu răng:
Xem thêm kiến thức tổng hợp:
Bài viết liên quan:
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả
Các cách giảm đau khi mọc răng khôn
Nguyên nhân và cách khắc phục mặt lệch
Niềng răng trong suốt là gì? Ưu và nhược điểm
Các loại niềng răng phổ biến nhất hiện nay
Quy trình niềng răng chuẩn diễn ra như thế nào?